Câu hỏi: Ở nhà em có nuôi mấy con cá sặc rằn,giờ cá đã có trứng thì làm sao cho nó sinh ra vậy? Và khi sinh ra thì nuôi ở đâu là tốt nhất? Ăn gì?

Người hỏi: Trần Công Quang Minh

Email: quangminh2121@gmail.com - Điện thoại: 0947738736

Địa chỉ: 372/43 đường Điện Biên Phủ ,P.17,Q Bình Thạnh

Trả lời

Chào bạn

KỸ THUẬT NUÔI CÁ SẶC RẰN

(Trichogaster pectoralis Regan, 1909)

I.    ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ SẶC RẰN

1. Phân bố

Cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis Regan, 1909) cũng là đối tượng nuôi quan trọng hiện nay. Cá phân bố tự nhiên ở các thủy vực vùng Đông nam Á và Nam Việt nam. Cá sinh sản tự nhiên trong ao, mương, kênh, rạch, rừng tràm và ruộng lúa. Cá thích sống ở những thủy vực có nhiều cây cỏ thủy sinh với nhiều chất hữu cơ. Cà mau, Bạc liêu, Sóc trăng, Cần Thơ và Kiên giang… là những tỉnh có cá phân bố tập trung và sản lượng cao hiện nay ở ĐBSCL.

2.  Sự thích nghi với môi trường

Cá có cơ quan thở khí trời nên sống được ở điều kiện nước thiếu hoặc không có oxy.

Cá cũng có khả năng chịu đựng được môi trường nước bẩn, hàm lượng hữu cơ cao cũng như môi trường có độ pH thấp (pH dao động từ  4 - 4,5).

Nhiệt độ thích hợp cho cá từ 24 - 30 0C, có thể chịu đựng được nhiệt độ 11 - 39 0C.

3.    Sự sinh trưởng, phát triển và tính ăn cá sặc rằn

Trong điều kiện nhiệt độ 28 - 30 0C trứng thụ tinh và nở sau 24 - 26 giờ. Cá sau khi nở sẽ dinh dưỡng bằng noãn hoàng trong 2,5 - 3 ngày. Lúc này cá nổi trên mặt nước. Sau khi tiêu hết noãn hoàng, cá con di chuyển xuống lớp nước dưới để kiếm mồi. Cá ương trong ao đạt chiều dài 2 - 3 cm sau 30 - 35 ngày. Thức ăn cho cá con ban đầu là động vật phiêu sinh cở nhỏ như luân trùng, các chất hữu cơ lơ lững trong nước, tảo phù du. Cá càng lớn sử dụng càng nhiều loại thức ăn hơn, khi trưởng thành cá ăn thiên về thực vật. Cá có chiều dài tối đa 25 cm. Cá sặc rằn chậm lớn, sau 2 năm nuôi cá đạt trọng lượng 140g/con. Thức ăn cho cá thường là mùn bã hữu cơ. Khi nuôi trong ao, ruộng cho ăn bổ sung như cám, phân động vật, bèo và các phụ phế phẩm khác.

4.    Sinh học sinh sản cá sặc rằn

Cá sặc rằn thường đẻ vào mùa mưa từ tháng 4 - 10. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi trong ao, có cho ăn, cá đẻ quanh năm nhưng tập trung vẫn là những tháng mùa mưa (tháng 4 – 8). Cá thành thục sinh dục khoảng 7 tháng tuổi. Cá đực có vây lưng dài và nhọn, thân hình thon, bụng nhỏ. Ngược lại con cái có có vây lưng tròn và ngắn, thường không vượt quá cuốn vây đuôi. Bụng cá lúc mang trứng căng tròn, nhìn thẳng vuông gốc với vị trí đầu, bụng cá có hình chữ U. Trong tự nhiên cá đẻ trong ruộng lúa, ao nuôi nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh. Khi sinh sản, cá đực và cá cái bắt cặp tìm nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh, ven bờ và kín đáo. Con đực làm tổ bằng nước bọt dưới những tán hay lùm của cây cỏ. Sau đó cá đực đưa cá cái đến gần tổ và cong mình ép cá cái đẻ trứng vào trong tổ. Trứng cá thuộc trứng nổi do có giọt dầu lớn. Những trứng rơi vãi ra ngoài được cá đực gom lại và đưa vào tổ. Sau khi cá đẻ xong, cá đực bảo vệ trứng chống những cá khác xâm nhập vào tổ, ngay cả cá cái. Trong sinh sản nhân tạo, cá đẻ thường được kích thích bằng kích dục tố.

II.     KỸ THUẬT SINH SẢN CÁ SẶC RẰN 

1.    Chọn cá bố mẹ 

Vào đầu mùa mưa, khi cá đã thành thục sinh dục, sẳn sàng đẻ trứng thì bắt cá cho đẻ. Quá trình chọn cá bố mẹ cho sinh sản như sau 

Chọn những cá bố mẹ khỏe mạnh, không xây xát.

Chọn cá đực, cá cái 

Cá cái : bụng to mềm, lỗ hậu môn lồi và có màu hồng.

Cá đực : màu sắc sặc sỡ, phần tia mềm ở lưng dài khỏi gốc vi đuôi.

2.    Kích thích cá sinh sản 

a.    Chuẩn bị cho cá đẻ  

Bể cá đẻ có thể là bể xi măng, bể composite, hoặc thau nhựa...  Rửa sạch dụng cụ cho đẻ, lấy nước sạch với chiều sâu 20 – 40 cm.

Lấy lá môn, hoặc lá sen úp trên mặt nước (mỗi cặp cá đẻ cần 1 lá để làm tổ).

b.    Cho cá đẻ

Dùng kích dục tố HCG + não thùy thể cá với liều lượng là 1500UI HCG + 10 não thùy thể cá chép chích cho 1 kg cá cái và cá đực dùng bằng 1/3 liều cá cái. Chích xong cho cá vào bể đẻ (mỗi bể 1 - 2 cặp cá). Sau khi chích thuốc khoảng 15 - 20 giờ cá sẽ đẻ trứng. Chờ cá đẻ xong, vớt trứng sang bể ấp ở nơi khác.

c.    Ấp trứng cá

Bể ấp có thể dùng bể composite hoặc bể xi măng. Rửa sạch bể, lấy nước vào với chiều sâu khoảng 40 – 60 cm. Trong thời gian ấp trứng, phải điều chỉnh sục khí để trứng cá không gom lại 1 chổ và định kỳ thay nước 1lần/ngày. Sau khi cá nở 2.5 - 3 ngày, chuyển cá xuống ao đất để ương thành cá giống.  

III.      KỸ THUẬT ƯƠNG CÁ GIỐNG

1.    Chuẩn bị ao ương

Tùy thuộc vào diện tích có của nông hộ, tốt nhất từ 500 -1000m2, ao có dạng hình chữ nhật có chiều dài gấp 2 – 3 lần chiều rộng. Độ sâu khoảng 1.2 -1.5m, đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống.

Dọn cỏ bờ, tát cạn nước, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp, cá dữ với liều lượng 0.2-0.3 kg/100m3, lấp kín các hang hốc.

Dùng vôi bột bón xung quanh bờ ao và đáy ao để cải tạo phèn, liều lượng từ 10-15 kg/100m2. Bón phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá với liều lượng

15 - 20kg/100m2. Sau đó phơi ao từ 2 - 3 ngày và cho nước vào. Khoảng 3 - 4 ngày sau, nước có màu xanh đọt chuối thì bắt đầu thả cá ương.

2.  Kỹ thuật ương cá

Ương cá với mật độ khoảng 500 - 800cá bột/m2.

Thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả, nên ngâm túi cá trong nước khoảng 10 - 15 phút để tránh cá bị sốc nhiệt, sau đó từ từ thả cá ra ngoài ao.

Dùng bột đậu nành, bột cá mịn, lòng đỏ trứng khuấy đều, tạt khắp mặt ao, cho ăn ngày 3-4 lần, liều lượng chiếm khoảng 150 – 200 % trọng lượng thân cá nuôi.

Sau khoảng 15 - 20 ngày, trộn cám với bột cá với tỷ lệ bằng nhau cho cá ăn ngày 2-3lần, lượng thức ăn chiếm khoảng 15 - 20 % trọng lượng cá nuôi. Cho ăn như thế đến khi cá đạt kích cỡ giống khoảng 500 - 700 con/kg.

Trong quá trình nuôi, nên thường xuyên theo dõi nước ao, nếu thấy dơ phải thay nước, mỗi ngày thay 30 % nước cho đến khi nước tốt thì ngưng.

2.    Thu hoạch

Sau khi ương 45 - 60 ngày, cá đạt kích cỡ khoảng 500 – 600 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 tuần, hằng ngày phải luyện cá bằng cách làm đụt nước ao. Dùng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ kéo cá, để tránh cá bị xay sát. Trong quá trình thu hoạch các thao tác phải thật nhanh và nhẹ nhàng tránh làm cá mệt, sẽ hao hụt nhiều trong vận chuyển. 

IV.   KỸ THUẬT NUÔI CÁ THƯƠNG PHẨM

Cá sặc rằn là đối tượng thích hợp nuôi ở ruộng cấy lúa mùa một vụ vào mùa mưa vùng ven biển các tỉnh Minh Hải, Kiên Giang, ... Cá sặc rằn thường được nuôi chung với cá lóc, trê vàng, cá thát lát, rô đồng. Trong đó cá sặc rằn chiếm tỷ lệ 60 – 70 %. Mật độ thả của cá sặc rằn là 1 – 2 con/m2. Cá nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên ở ruộng, thức ăn bổ sung ít được chú ý. Năng suất nuôi đạt từ 100 – 300 kg/ha/năm. Cá sặc rằn cũng thích hợp nuôi ở ao với mô hình nuôi kết hợp (cá - heo, cá - gà, cá - vịt ... ). Có thể áp dụng phương pháp nuôi đơn hoặc nuôi ghép với một số loài cá khác như cá mè trắng, cá hường, rô phi, chép. Đối với mô hình nuôi kết hợp Heo - Cá, mật độ heo thả nuôi dao động từ 120 - 150 con/ha, người nuôi có thể thả ghép giữa cá sặc rằn cùng với 1 số lòai cá khác như hường, rô phi, tai tượng hoặc chép với mật độ 5 - 7 con/m2, sẽ cho kết quả về năng suất nuôi cùng hiệu quả mang lại cho nông hộ rất tốt. Năng suất có thể đạt được dao động từ 3.800 - 4.500 kg/ha sau 6 tháng nuôi.

V.     MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

1.    Bệnh xuất huyết

Bệnh thường xuất hiện lúc giao mùa (tháng 11-12 hoặc tháng 2 - 3 dương lịch).

Dấu hiệu bệnh

Cá bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện những đốm đỏ li ti. Cá ít ăn hoặc bỏ ăn.

Cách phòng trị

Thường xuyên thay nước ao, bón vôi với liều lượng 4 - 6kg/100m2 mặt nước.

Nếu cá còn sử dụng thức ăn, ta trộn thuốc vào thức ăn với liều lượng: Oxytetracyline 4-6 g/100 kg thức ăn; Nitrofurazol 4 – 8 g/100kg cá bệnh; Vitamin C 2 – 6 g/100 kg thức ăn.

2.    Bệnh nấm thủy mi

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ dưới 20 0C, cá bị xay xát, hoặc do viêm nhiễm ngoài da.

+ Dấu hiệu bệnh lý

Trên da xuất hiện vùng trắng như bông gòn.

+ Cách phòng trị

 Để phòng bệnh do nấm thủy mi, ao ương nuôi cần phải tẩy dọn kỹ sau mỗi vụ nuôi. Tránh cá bị xay xát khi vận chuyển hoặc đánh bắt. Dùng nước muối tắm cá 8 – 10 phút trước khi thả nuôi.

Chúc bạn thành công!

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...