Câu hỏi: Cho tôi hỏi kỹ thuật nuôi baba như thế nào và mua con giống ở đâu, có mấy loại giống baba? rất mong sớm nhận được câu trả lời từ chương trình. Người hỏi: Nguyễn văn mạnh Email: myloveiq@gmail.com - Điện thoại: 01672434979 Địa chỉ: Bắc Giang |
Trả lời Đặc điểm hình thái: Ba ba là động vật thuộc lớp Bò sát, bộ Rùa, họ Ba ba Trionychidae. ở nước ta có 3 loài ba ba: - Ba ba trơn, còn gọi là ba ba hoa (Trionyx sinensis): phân bố tự nhiên ở sông, hồ ao nước ngọt thuộc đồng bằng miền Bắc; đây cũng là loài chủ yếu đang nuôi ở các tỉnh phía Bắc. - Ba ba gai (Trionyx steinachderi): phân bố ở sông suối miền núi phía Bắc, trên mai có những nốt sần như gai. - Ba ba Nam Bộ, còn gọi là cù đinh (Trionyx cartilagineus) phân bố ở miền Nam; trên đầu và mai thường có những vạch trắng.
Lưng của ba ba có mai cứng, thực chất là chưa hoá xương; xung quanh diềm mai là chất sụn. 1. Ao, bể nuôi ba ba 1.1. Điều kiện ao, bể nuôi Ao, bể nuôi ba ba thịt cần có các điều kiện tương tự như ao, bể sản xuất ba ba giống, phải chọn nơi yên tĩnh, gần nhà để dễ bảo vệ. Bờ ao có thể xây hoặc không cần xây để giảm bớt kinh phí đầu tư, nhưng phải có rào chắn để quản lí được ba ba trong khu vực nuôi. Ao nuôi nên có hình chữ nhật, kết cấu gồm: lòng ao, bờ ao, cống cấp và cống thoát nước. Một ao nuôi ba ba luôn luôn phải có các công trình phụ kèm theo, đó là sân cho ba ba lên ăn, hầm trú đông và bãi đẻ trứng của ba ba. Diện tích ao nuôi ba ba thương phẩm từ 100- 500m2 là thích hợp và có độ sâu tối thiểu từ 1,5m (nếu sâu được 2m thì càng tốt vì mùa đông nước sẽ ấm, mùa hè sẽ mát; ba ba không làm đục nước ao sâu nên cũng lâu mới phải thay nước). Nhiều nơi đã đổ một lớp cát dầy từ 15- 20cm xuống nửa đáy ao nuôi để làm địa điểm thả mồi cho ba ba ăn, mồi sẽ không bị lẫn xuống bùn và nước không bị ngầu đục. Đáy ao có độ dốc nghiêng dần về phía cống thoát nước. Góc ao có lối cho ba ba bò lên vườn hoặc bãi nghỉ ngơi để ba ba phơi nắng khi cần thiết. Ao có nguồn cấp, thoát nước dễ dàng. Cửa cống cấp và cống thoát nước phải có lưới chắn giữ cẩn thận. Nếu ao ở xa nguồn nước phải chủ động bơm thay được nước khi cần thiết. Bãi đẻ của ba ba thường được xây bên cạnh ao nuôi, có chiều dài chạy dọc bờ ao, rộng 1,3- 2m, cách mặt nước ao 0,5m; trên mặt bãi đổ một lớp cát mịn trộn đất xốp dầy 15- 20cm cho ba ba dũi đẻ dễ dàng. Phải chú ý tạo các lối từ ao lên bãi để ba ba thuận tiện bò lên làm tổ đẻ. Xung quanh ao và bãi đẻ nên xây tường rào bảo vệ cao 1,2- 1,5m. Trên cùng xây một hàng gạch mũ quay ngang để không cho ba ba bò lên thoát ra ngoài. Những gia đình đất chật có thể xây bể nuôi rộng 10m2, mức nước sâu 0,6- 1,5m, có cống tràn. Nếu có đất rộng thì xung quanh bể nên để một mảnh vườn trồng cây bóng mát và xây bậc cho ba ba lên nghỉ ngơi; bậc thềm ngập nước 10- 15cm, phía trên thả kín bèo lục bình. Nếu đất hẹp không có vườn có thể làm bè tre nổi để ba ba có chỗ lên phơi nắng khi cần thiết.
1.2. Chuẩn bị ao, bể nuôi Hàng năm trước mỗi vụ nuôi, ao phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt hết mầm bệnh. Đối với những ao nuôi từ năm thứ hai trở đi, việc tẩy dọn ao trước khi thả giống càng phải được tiến hành chu đáo. Ao nuôi thường xuyên với mật độ dầy, lớp cát ở đáy ao rất chóng bẩn, thường có màu đen và mùi tanh, cần phải được thay bằng lớp cát mới để đảm bảo nuôi đạt tỉ lệ sống và năng suất cao. Bể mới xây trước khi thả giống nuôi, cần được thau rửa nhiều lần để đảm bảo trước khi cho nước vào, độ pH ổn định từ 7 đến 8.
2. Thả giống Mùa vụ thả ba ba giống thường bắt đầu từ tháng 2- 3 hàng năm.
2.1. Tiêu chuẩn chọn ba ba giống Giống nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị xây xát hoặc dị hình. Ba ba khoẻ mạnh, không bị nhiễm bệnh, không bị sây sát, chảy máu, hoạt động nhanh nhẹn. Nên thả ba ba giống cùng cỡ, tối thiểu cũng phải đạt từ 100 đến 150 g/cá thể. Khi chọn ba ba để thả, nếu con nào khoẻ, khi bị lật ngửa nó sẽ tự lật sấp lại ngay. Khi thả ba ba xuống đất thấy bò chậm, cổ rụt không hết, mắt có tinh thể màu đục hoặc khi thả xuống ao không thấy ba ba chúi xuống bùn thì đó là những dấu hiệu của ba ba giống chất lượng kém, không nên thả nuôi. Không nên mua ba ba giống của người buôn để đề phòng ba ba đã bị nhốt giữ lâu ngày, dễ chết; cũng không nên mua ba ba con của những người đánh bắt ba ba tự nhiên vì sẽ có nhiều con nuốt lưỡi câu hoặc bị đánh bắt bằng điện nên khi đưa về nuôi dễ chết. Chỉ nên mua ở những người chuyên sản xuất ba ba giống, có đủ độ tin cậy về chất lượng con giống. Nhiều gia đình nuôi ba ba được 2- 3 năm thường giữ lại một số ba ba cỡ lớn làm ba ba bố mẹ để tự sản xuất giống ba ba theo nhu cầu nuôi của mình.
2.2. Mật độ thả Tuỳ điều kiện cụ thể, có thể áp dụng một trong 3 mật độ giống thả như sau: - Thả mật độ thưa: 0,5- 1 con/m2 (năng suất không cao nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều gia đình, nhất là những giađình mới bắt đầu nuôi). - Thả mật độ trung bình: 4- 7 con/m2 (chỉ áp dụng ở những cơ sở có đủ điều kiện để nuôi thâm canh). - Thả mật độ cao: 7- 10 con/m2 (phải đầu tư vốn nhiều cho ao nuôi, con giống và thức ăn để đạt năng suất cao).
3. Chăm sóc và quản lí Chăm sóc quản lí ao nuôi ba ba thịt cũng giống như chăm sóc quản lí ao nuôi ba ba bố mẹ và ba ba giống. Phải đảm bảo nước ao, bể nuôi luôn luôn sạch; nếu nuôi dầy phải thay nước luôn, không được để nước bẩn. Không để bị mất trộm. Ba ba hay bò đi vào các ngày mới thả giống, những ngày mưa to. Ba ba dễ bị cắn câu nên rất dễ bị mất vì câu trộm. Trong quá trình nuôi ba ba việc cho ba ba ăn là một trong các công việc quan trọng nhất. 3.1. Loại thức ăn Thức ăn nuôi ba ba chủ yếu là thức ăn động vật (sống hoặc đã chết, nhưng nên là thức ăn tươi) và nên tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn của từng địa phương. Khi nuôi ở vùng ven biền nên cho ba ba ăn tôm vụn, cá tạp, moi, don, dắt… Nuôi ở vùng ven sông nên cho ba ba ăn cá tạp, hến, giun, ếch, nhái… Vùng chiêm trũng có nhiều lợi thế về cá tạp, ốc, cua, tôm, tép… Vùng trung du, miền núi có thể cho ba ba ăn giun đất, ốc sên… ở vùng ven thành phố, thị xã, thị trấn có thể tận dụng cho ba ba ăn phế thải của lò mổ, thịt động vật kém phẩm chất, giun đất hoặc các loại cá vụn rẻ tiền… Ngoài thức ăn tươi, nếu có điều kiện có thể cho ba ba ăn thêm các loại thức ăn như cá khô, tép khô… nhưng phải là loại nhạt. Thức ăn ưa thích từ nhỏ đến khi trưởng thành của ba ba là những thức ăn động vật như cá, tôm, cua nhỏ và các loại động vật phế thải. Vì vậy muốn nuôi ba ba lớn nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao người nuôi ba ba phải chủ động tạo ra đủ các loại thức ăn cho ba ba bằng nhiều cách khác nhau: thu mua cóc, nhái; gây thêm ốc trong ao ruộng để chủ động có thức ăn nuôi ba ba; dùng phân lợn, phân gà để nuôi giun đất (ba ba rất thích ăn giun đất); phối chế đạm động vật (cá, tép), đạm thực vật (đậu tương) nắm lại thành viên; tận dụng các loại phế thải lò mổ, lòng trâu, bò, lợn và các gia súc gia cầm chết làm thức ăn cho ba ba…
3.2. Lượng thức ăn và cách cho ăn Lượng thức ăn hàng ngày cho ba ba ăn được tính bằng 3- 5% khối lượng ba ba nuôi trong ao. Những ngày thời tiết mát mẻ, ba ba ăn khoẻ hơn, lượng thức ăn có thể tăng đến 5%. Những ngày trời nắng nóng, lượng thức ăn có thể giảm xuống còn 2- 3%. Cần lưu ý vào mùa đông khi trời rét kéo dài, nhiệt độ nước xuống thấp, ba ba sẽ không ăn. Trước khi cho ba ba ăn, thức ăn phải được rửa sạch. Nếu thức ăn ươn hôi, phải được nấu chín. Khi ba ba còn nhỏ, thức ăn phải được băm, thái vụn cho phù hợp cỡ miệng ba ba. Không được cho ba ba ăn thức ăn mặn. Mỗi ngày cho ba ba ăn 2 lần ở những vị trí cố định trong ao, bể. Hàng ngày phải theo dõi sức ăn của ba ba để điều chỉnh lượng thức ăn, không để ba ba bị đói nhưng cũng không để ăn thừa. Để dễ kiểm tra nên thả thức ăn vào mẹt hoặc nia treo ngập trong nước 20- 30cm; mỗi khi cho ăn kéo mẹt, nia lên để kiểm tra. Mỗi lần thay nước bị tác động mạnh ba ba có thể bỏ ăn 2- 3 ngày vì vậy điều quan trọng nhất trong nuôi ba ba thịt là phải tạo được sự yên tĩnh tuyệt đối- ngay cả trong thao tác ném thức ăn và vớt bớt bèo, khi thấy bèo đã phát triển quá dầy và chật. Chi phí về thức ăn để nuôi ba ba là khá lớn vì vậy người nuôi cần tìm các biện pháp thích hợp để vừa đảm bảo số lượng, chất lượng thức ăn vừa giảm nhẹ chi phí về thức ăn một cách hợp lý nhất. Từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian ba ba sinh trưởng mạnh nhất trong năm vì thế cần có cho ba ba ăn đầy đủ để chúng lớn nhanh và liên tục, đến cuối năm mới có thể thu hoạch ba ba đạt qui cỡ và cho sản lượng cao nhất. Qua thực nghiệm ở cơ sở nghiên cứu và thực tiễn sản xuất cho thấy để tăng trọng được 1kg thịt ba ba cần phải cho ăn 10- 16 kg cá, tép hoặc 25- 27 kg ốc. 4. Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở ba ba Sống trong sông hồ tự nhiên hoặc được nuôi trong ao với mật độ thưa, ba ba ít khi bị bệnh; nhưng nếu nuôi ba ba trong ao hoặc bể với mật độ dầy, quản lí môi trường nuôi không tốt, ba ba có thể bị bệnh và chết hàng loạt.
4.1. Các bệnh thường gặp ở ba ba và cách chữa trị
Các bệnh thường gặp và cũng gây thiệt hại nhất cho ba ba nuôi là bệnh sưng cổ, bệnh nấm thuỷ mi, bệnh kí sinh đơn bào và bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn. 4.1.1. Bệnh sưng cổ Cổ ba ba bị sưng, nhiều con bị nặng không thể rụt cổ vào trong mai được. Để chữa trị bệnh này cần trộn thuốc Tetracycline, Chlorocid hoặc Sunfamid vào thức ăn của ba ba, cho ăn trong 3 ngày liền. Ngày đầu trộn 0,2g thuốc/ 1kg thức ăn; những ngày sau giảm đi một nửa lượng thuốc. 4.1.2. Bệnh nấm thuỷ mi và bệnh ký sinh đơn bào a) Dấu hiệu bệnh lí + Đối với bệnh nấm thuỷ mi Ba ba mới bị bệnh, trên da, cổ, chân, xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có các sợi nấm mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường (khi ba ba ở dưới nước sẽ nhìn rõ sợi nấm hơn khi ba ba ở trên cạn). Khi ba ba bị viêm loét, nấm có thể phát triển trên các vết loét làm cho bệnh càng nặng thêm, ba ba dể chết hơn. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh. Tất cả các động vật thuỷ sản sống trong nước đều có thể bị bệnh nấm thuỷ mi. Trong các ao, bể nuôi ba ba với mật độ dày, nước nhiễm bẩn thường dễ xuất hiện bệnh nấm. Bệnh nấm phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ nước 18- 25oC. Ba ba nuôi ở các tỉnh phía Bắc thường bị bệnh nấm vào mùa đông, mùa xuân và mùa mưa kéo dài ngày. Bệnh nấm đã từng gây chết nhiều cho ba ba giống trú đông, tỉ lệ gây chết có khi lên tới 40%. + Đối với bệnh kí sinh đơn bào ở ba ba còn có một bệnh khác cũng có dấu hiệu bệnh lí tương tự như bệnh nấm thuỷ mi kể trên, đó là bệnh kí sinh đơn bào. Khi những kí sinh trùng đơn bào này phát triển nhiều có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường, trông như những sợi bông; nếu không quan sát trên kính hiển vi có thể dễ nhầm lẫn tưởng là những sợi nấm thuỷ mi. Kí sinh trùng đơn bào có dạng hình chuông hoặc hình phễu lật ngược, thường kí sinh trên da, cổ và kẽ chân ba ba. Ba ba khi còn nhỏ thường dễ bị bệnh kí sinh đơn bào nhiều hơn ba ba trưởng thành; bệnh này có thể làm ba ba chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi ba ba. b) Phương pháp chữa bệnh Bắt ba ba thả vào chậu, tắm bằng xanh malachite với liều lượng 2- 4 g/m3 nước trong 1- 2 giờ. Lượng thuốc tắm trong chậu chỉ cần ngập lưng ba ba để ba ba có thể hít thở không khí bình thường, tránh để thuốc ngấm vào đường tiêu hoá vì sẽ gây nhiễm độc cho ba ba. Cũng có thể rắc thuốc trực tiếp xuống ao nuôi với liều lượng 0,05- 0,10 g/m3 nước. Mỗi tuần tắm hoặc rắc thuốc 2 lần. Nếu xử lí kịp thời, có thể chữa khỏi 100% số ba ba bị mắc bệnh. 4.1.3. Bệnh viêm loét do vi khuẩn (thường gọi là bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh bã đậu) a) Dấu hiệu bệnh lí Bệnh thường xuất hiện ở những ao, hoặc bể nuôi ba ba có mật độ dầy, ít được thay nước, đáy ao bẩn, cát ở đáy thô. Tác nhân gây bệnh là những vi khuẩn thường sống trong bùn và nước bẩn như: Aeromonas hydrophyla, Pseudomonas sp… Ba ba bị bệnh có những vết loét với hình dạng và kích cỡ nhất định, rất dễ nhìn thấy ở đầu, cổ, chân, xung quanh phần mềm của mai, ở trên mai phần bụng của ba ba. Miệng vết loét thường xuất huyết. Một số vết loét có thể đóng kén, nếu khều miệng vết loét ra có thể nhìn thấy những cục trắng như bã đậu. ở ba ba bị bệnh da có màu không bình thường. Mắt xuất huyết màu đỏ, móng chân bị cụt. Ba ba kém ăn hoặc bỏ ăn, cơ thể gày yếu, hay nổi lên ở tầng mặt ven bờ, hoặc bò lên bờ. Khi bị bệnh nặng cơ thể ba ba mềm nhũn, hoạt động chậm chạp; nếu có bị lật ngửa ba ba cũng không đủ sức tự lật úp lại được. Chỉ sau khi bị bệnh 1- 2 tuần ba ba có thể bị chết. ở ao nuôi có ba ba bị bệnh nhẹ có thể thấy 1- 2 con chết rải rác; ở ao nuôi bị nhiễm bệnh nặng, ba ba có thể chết tới 30- 40% số lượng có trong ao. Khi mổ ba ba bị bệnh nặng thường thấy phổi chuyển sang màu đen sẫm, gan và lách bị xuất huyết cũng chuyển sang màu đen. Bệnh thường xuất hiện ở những ao nuôi ba ba với mật độ dầy, ao sau khi đưa vào nuôi được 2- 3 năm. Đáy ao dọn không tốt, ao không được thay nước thường xuyên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa đông và mùa xuân sau khi trú đông. Bệnh xuất hiện ở cả ba ba giống lớn, ở cả ba ba thịt và ba ba bố mẹ. b) Chữa bệnh Dùng kháng sinh Chloramphenicol, Oxytetracycline, Furazolidone… trộn với mỡ lợn bôi trực tiếp trên các vết loét; để ba ba ở trên cạn trong 30- 60 phút, sau đó mới thả trở lại nước. Một tuần bôi thuốc 3 lần (cách một ngày bôi một lần). Trong trường hợp vết loét nặng, có kén, phải cậy vảy và lấy hết kén ra; sau đó lau sạch miệng vết thương, rắc thuốc kháng sinh đã tán thành bột và bôi thuốc mỡ ra bên ngoài. Phải nhốt ba ba trên cạn càng lâu càng tốt (có thể tới 2- 3 ngày liên tục, tuỳ theo sức khoẻ của ba ba) nhưng phải luôn giữ độ ẩm và yên tĩnh cho ba ba. Có thể tắm cho ba ba bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh trên trong 3- 5 ngày liên tục, với liều lượng thuốc 20- 50 mg/lit trong thời gian 2- 6 giờ. Ngoài ra còn có thể tiêm cho ba ba bệnh: 1 tuần tiêm 2 lần với liều 50mg Chloramphenicol hoặc 100mg Streptomycine/ 1kg ba ba. Một số nơi đã sử dụng thuốc kháng sinh rifamycine để chữa, ba ba chóng khỏi bệnh hơn; tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt 70- 80%. Những con chữa không khỏi thường là đã bị bệnh quá nặng, vết loét lớn và ăn sâu vào cơ thể, ba ba gày và kiệt sức do bỏ ăn lâu ngày. 4.2. Phòng bệnh cho ba ba Phòng bệnh luôn luôn là biện pháp có hiệu quả nhất trong chăn nuôi nói chung, kể cả trong nghề nuôi ba ba. Việc phòng bệnh phải được tiến hành trong tất cả các khâu, bắt đầu từ việc lựa chon giống, chuẩn bị ao bể nuôi, chăm sóc quản lí. Khi mua ba ba giống phải chọn những cá thể có da phải trơn bóng, không bị còi cọc, không bị dị dạng. Trong quá trình đánh bắt và vận chuyển ba ba về nuôi phải chú ý không làm ba ba bị tổn thương, da bị xây xát hoặc bị ngạt thở. Trước khi thả vào ao, bể nuôi cần tắm cho ba ba giống bằng dung dịch xanh malachit với liều lượng 1- 2 g/m3 nước, trong thời gian 20- 30 phút để phòng bệnh nấm và bệnh kí sinh đơn bào. Nếu thấy ba ba giống bị xây xát, cần tắm thêm bằng thuốc kháng sinh (Chloramphenicol hoặc Furazolidone) với liều lượng 20- 50 g/m3 nước để phòng bệnh nhiễm trùng gây lở loét. Ao, bể nuôi ba ba phải được tẩy dọn sạch sẽ trước khi thả ba ba giống. Cuối mỗi vụ nuôi hoặc sau khi đã nuôi một thời gian, khi lớp cát bùn dưới đáy bị thối bẩn nhiều, cần phải làm sạch đáy ao, bể bằng cách rắc vôi sống với lượng 10- 15 kg/100 m2 đáy ao để khử trùng. Nếu có điều kiện, nên thay lớp cát cũ hoặc phơi khô lớp cát ở đáy để tẩy trùng triệt để hơn. Trong thời gian nuôi không nên cho ba ba quá dư thừa thức ăn vì như thế sẽ làm thối bẩn nước. Nên định kì thay nước để nước không bị thối bẩn. Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên và triệt để cho ao, bể thì cứ 15- 30 ngày lại phải khử trùng cho nước ao một lần bằng vôi bột, với lượng1,5- 2,0 kg/100m3 nước. Trong những tháng nhiệt độ thấp khoảng18- 200C để phòng bệnh nấm thuỷ mi và bệnh kí sinh đơn bào nên treo túi thuốc xanh malachit ở khu vực cho ba ba ăn (mỗi túi chứa 5- 10g thuốc), hoặc hoà thuốc rắc trực tiếp xuống ao với lượng 5- 10g thuốc/ 100m3 nước. Khoảng 15- 30 ngày lại tiến hành một lần. Khi thấy ba ba bị bệnh, phải nhốt riêng những cá thể bị bệnh để chữa trị kịp thời, đồng thời nhanh chóng xử lí vệ sinh môi trường ao nuôi. 5. Thu hoạch và vận chuyển ba ba Sau 9- 10 tháng nuôi, tiến hành kiểm tra nếu thấy ba ba đã đạt yêu cầu thương phẩm (nặng từ 500 g/cá thể trở lên) thì có thể tiến hành thu hoạch được. Qui cỡ xuất bán ba ba thịt từ 0,6- 1,0kg là kinh tế nhất và phù hợp với thị hiếu. Thời gian thu hoạch thích hợp và được giá nhất thường chủ yếu vào tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm, hoặc có thể thu hoạch vào những thời điểm được giá tuỳ theo yêu cầu của thị trường, do vậy phải có thông tin kịp thời. Thường bán ba ba thương phẩm vào tháng một và tháng chạp âm lịch. Có thể thu tỉa bằng cách tháo bớt nước trong ao, bể để mò bắt từng con. Nếu thu toàn bộ phải tháo cạn nước ao, sau đó cũng vẫn phải dùng tay để bắt từng con. Khi bắt ba ba cần phải nhẹ nhàng, không làm xây xát da, không dẫm lên lưng ba ba, không nhốt ba ba quá dày để tránh ba ba cắn và cào móng vào lưng nhau có thể làm cho ba ba bị tổn thương. Giữ ba ba nhỏ lại để nuôi tiếp hoặc chọn những con cỡ lớn để nuôi vỗ cho đẻ lấy giống năm sau. Muốn lưu ba ba qua đông cần làm hầm tránh rét ngay trong ao, dâng cao nước và phủ bèo kín nửa ao. Việc vận chuyển ba ba khá đơn giản: trước khi vận chuyển không để ba ba ở trong nước mà để ở nơi ẩm. Dụng cụ chứa ba ba là bị cói, dó cói, sọt hay thùng gỗ thoáng, có lót bèo để giữ ẩm. Xếp một lượt bèo, một lượt ba ba; tốt nhất là ngăn cho mỗi con một ô. Nếu phải vận chuyển vào trưa nóng thì dùng đá bọc vải để lên trên cho nước mát chảy xuống. Nếu phải vận chuyển qua đêm thì khi nghỉ đêm phải tháo ra, sáng hôm sau đóng lại. Nếu số lượng nhiều, đi xa thì dùng ôtô, tàu hoả hoặc máy bay; nếu số lượng ít dùng xe đạp, xe máy. Chú ý mọi thao tác đều phải nhẹ nhàng. Nếu nuôi ba ba đúng qui trình kĩ thuật, quản lí và bảo vệ ao nuôi tốt có thể đạt được kết quả trung bình như sau: - Tỉ lệ sống của ba ba sau khi thu hoạch có thể tới 90- 100%. - Ba ba có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 4- 5 lần; năng suất nuôi đạt 0,3- 3,0 kg/m2 (tuỳ theo mật độ thả giống và trình độ quản lí nuôi). Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ bán giống ba ba sau: 1. TRANG TRẠI BABA NGUYỄN VĂN HÒA - SÁU HOÀ Địa chỉ: 036, Ấp Mỹ Chánh A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang Di động: 0976 592 224 E-mail: Babavietnamvn@yahoo.com.vn Website: www.babavietnam.vn 2. Trang trại ba ba giống Minh LanhĐịa chỉ: Xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Tỉnh Sóc Trăng
|
- Cháu muốn hỏi là: Cháu đang định nuôi cá Chép V1 thì kỹ thuật nuôi cá Chép V1 thế nào? Có thể kết hợp nuôi với cá Chim được không ạ? Hay loại cá nào khác? Cháu xin cám ơn!
- Cháu chào các cô, các chú. Cháu đang có 1 khu đất 1000m2 chỉ để không, cháu đang có ý định múc thành ao nuôi cá. Địa thế rất đẹp, có nước ra nước vào. Các cô chú tư vấn giúp cháu về phương pháp, sử lý nước, nuôi cá gì... Cháu cám ơn.
- em muốn hỏi kỹ thuật nuôi cầy hương, và xin 1 số địa chỉ trang trại thành công
- Tôi đang chuẩ bị xây dựng trang trại, trong đó có ý định làm bè nuôi cá lăng ở trên hồ thủy điện. Xin tư vấn giúp tôi về điều kiện nuôi cá lăng, cách đóng bè nuôi, và quy trình nuôi.
Tin xem nhiều
Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5
Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI 1. ... |
Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ... |
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm
Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ... |
Nuôi cá lăng nha trong lồng bè
Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ... |
Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm
Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ... |
Video xem nhiều
Sử dụng thuốc gốc đồng để trừ bệnh
(Nguồn THĐT) |
Tác dụng của Canxi với sự sinh trưởng của cây lúa
(Nguồn THĐT) |
(Nguồn THVL) |
Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao
Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ... |
Sinh vật cảnh tiềm năng kinh tế nông nghiệp đô thị
(Nguồn THĐT) |