Nông dân lại luẩn quẩn điệp khúc trồng, chặt, nhổ...

Anh Võ Minh Quân chấp nhận thu hoạch gừng non, bán giá thấp vì gừng bệnh.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định giấc mơ tiền tỷ từ cây gừng của người dân Thới Bình đã tan thành mây khói khi giá hiện tại chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Những rẫy gừng hiện nay đầy cỏ dại, minh chứng cho một vụ gừng thất bại của bà con.

Hiện tại, gần 70% diện tích gừng của người dân huyện Thới Bình được thu hoạch và nhiều hộ chuyển sang trồng một số loại cây khác nhau. Có hộ lên giồng trồng màu phục vụ Tết, có hộ để đất trống, có hộ đang đào hộc chuẩn bị trở về với cây mía, loại cây trồng mà cách đây chưa đầy 1 năm họ xuống tay chặt phá không thương tiếc để dành chỗ đứng cho cây gừng.

Nghe thông tin gừng xuống giá thê thảm, tôi về lại nhà chị Nguyễn Thị Cẩm, một người quen mà tôi biết có trồng gần 3 công gừng tại ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông để hỏi thăm tình hình. Mới nhắc đến tiếng gừng, chị Cẩm đã cắt ngang: “Còn bãi đất trống đó, đã bán tháo bán đổ cách đây hơn 1 tháng, lỗ quá nặng luôn”.

Cầm lòng không được trước lợi nhuận lớn từ 1 công gừng mang về vào vụ mùa 2014, gia đình chị Cẩm mạnh dạn phá 3 công mía để kê giồng trồng gừng ấp ủ ước mơ “hốt bạc”. Thế nhưng, mới đi được 2/3 đoạn đường đã lỗ trên 15 triệu động. “Do gừng bệnh không trị được phải bán gừng non với giá chỉ 6.000 đồng/kg. Nhưng cũng còn may, phải để đến giờ không biết làm sao, không chỉ giá thấp hơn mà bán không ai mua”, chị Cẩm chia sẻ.

Tại ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Đông, vụ gừng năm 2014 thậm chí còn xảy ra một chuyện hết sức hy hữu là cướp gừng. Vụ việc có 1 không 2 này xảy ra tại hộ ông Út Huế đầu kinh Kiểm. Năm 2014, gia đình ông trồng gần chục công gừng và trúng đậm với hơn 1 tỷ đồng. Sau khi thương lái thu hoạch gần hết, còn lại số gừng trị giá hơn 200 triệu đồng thì họ bắt đầu "bẻ kèo". Họ thuê một số thanh niên có số má vào chở gừng nhưng không trả tiền, cũng may gia đình ông đông người nên mới giữ được số gừng còn lại. “Năm rồi hút đến nỗi, vậy mà hiện nay muốn bán là cả một vấn đề”, anh Võ Thanh Tùng, cùng ấp, chia sẻ khi kể xong câu chuyện.

Gia đình anh Tùng hiện nay còn gần 1 công gừng đang có ý định bán và đã nhiều lần điện thoại liên hệ thương lái nhưng chưa thấy ai vào. Anh Tùng cho biết: "Năm ngoái, thời gian này thương lái đảo như “đầm già”, thấy nhà nào có gừng là ghé vào ngả giá đặt cọc bất kể gừng già non, thậm chí còn thuê luôn người vào canh để chờ ngày thu hoạch. Năm rồi họ nài nỉ mình mua, năm nay đến lượt mình năn nỉ họ lại để bán”.

Dạo một vòng ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Đông; ấp 7, ấp 9, xã Trí Lực, những khu vực có diện tích gừng, mía lớn nhất huyện, một bầu không khí lao động nặng trĩu, những rẫy gừng vàng hoe trơ trọi với cái nắng chói chang, xa xa mới thấy thấp thoáng một bóng người. Có những rẫy gừng bị cỏ lấn áp gần như không còn nhìn thấy đâu là gừng, đâu là cỏ, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh cách đây chưa đầy 1 năm. Cũng khoảng thời gian này, trong khu vực ấy, nhưng năm rồi là một bầu không khí tràn ngập tiếng cười sảng khoái.

Trong căn chòi được cất giữa rẫy gừng gần 5 công, anh Trần Văn Hào cho biết, từ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, không cầm lòng được trước sự lên ngôi của cây gừng nên xuống ấp 7, xã Trí Lực thuê 3 công đất trồng gừng. Bao quyết tâm, bao hy vọng giờ đây tan thành mây khói. “Với giá này, cùng với 20 triệu đồng tiền thuê đất, xem như cầm chắc lỗ từ 50 triệu đồng trở lên”, anh Hào bộc bạch.

Kể về quyết tâm làm giàu từ cây gừng khi mới xuống đây, anh Hào nói: "Khi bàn với vợ xuống đây thuê đất trồng gừng, vợ cản không cho đi. Lúc ấy tôi còn mạnh miệng trả lời, mẹ con nó ở nhà đi, năm sau tôi đem tiền về cất nhà tường cho ở. Thấy tôi quyết tâm, vợ cũng gom góp tiền bạc, hành lý cho tôi đi làm ăn. Khi ấy cứ nghĩ, năm rồi giá từ 17.000-20.000 đồng/kg, năm nay nếu có giảm cũng phải nằm từ 10.000-12.000 đồng/kg. Giá đó có lãi, ai ngờ xuống thấp đến mức này lại thêm dịch bệnh mà không biết tới đây có bán được không nữa, liên hệ 2, 3 lái, đến nay chưa thấy ai vô”.

Chuyện buồn từ cây gừng mang lại cho nông dân hiện nay không phải là lần đầu tiên. Cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt hàng nông sản trên địa bàn diễn ra nhiều năm và trên nhiều loại cây, con khác nhau. Khi thì nông dân phải ngậm ngùi đốt mía, lúc thì lúa chất ở nhà thành đống không bán được do giá xuống thấp, rồi con tôm, con cua cũng lên xuống thất thường... Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài nếu hình thức tổ chức sản xuất như hiện nay chưa được thay đổi./.

Nguồn: báo Cà Mau

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...