Tạm trữ lúa gạo: Cần định lượng hiệu quả

Ảnh minh họa

Đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu năm 2013 đã bắt đầu từ ngày 15/6, tuy nhiên theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thu mua tạm trữ đợt này may ra chỉ giúp nông dân ở mức có lãi, chứ khó đạt lãi 30%. Dư luận đang đặt câu hỏi: Nông dân hưởng lợi như thế nào trong chính sách tạm trữ lúa gạo?

Chưa tính kỹ?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát ở kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu câu hỏi: Nông dân được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo? Bộ trưởng phân trần, mua tạm trữ lúa gạo là biện pháp để hỗ trợ thị trường chứ không phải để bao tiêu nông sản cho nông dân. “Việc mua tạm trữ giúp giá không bị xuống vào lúc thu hoạch rộ, theo đó nông dân được hưởng lợi ở chỗ giá được nâng lên. Thực tế, sau khi mua tạm trữ, giá lúa vụ đông xuân được nâng lên khoảng 100 - 150 đồng/kg”, ông Phát nói.

Xem ra, với việc giá mua lúa tăng lên 100-150 đồng/kg, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá chính sách thu mua tạm trữ có hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần định lượng hiệu quả đến đâu, nông dân được lợi bao nhiêu, có xứng với khoản tiền mà Nhà nước bỏ ra để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ lúa gạo hay không?

Nhìn lại đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 ở ĐBSCL, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền cho vay đạt 7.612 tỷ đồng. Như vậy, với lãi suất được bù 11%/năm trong 3 tháng thì khoản tiền Nhà nước bù hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay mua tạm trữ lúa vụ đông xuân vừa qua khoảng 209 tỷ đồng. Nếu tính1kg gạo tăng 150 đồng thì tổng số tiền bán 1 triệu tấn gạo của nông dân tăng thêm 150 tỷ đồng, tức là vẫn thấp hơn số tiền Nhà nước bỏ ra hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ. Thực tế này cho thấy, chính sách mua tạm trữ lúa gạo vẫn mang tính hình thức, thực tế nông dân hưởng lợi ít, trong khi doanh nghiệp thu mua tạm trữ kêu lỗ, còn Nhà nước vẫn phải chi tiền.

Thời điểm thu mua tạm trữ lúa gạo cũng là vấn đề phải bàn. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA từng thừa nhận rằng, một số địa phương phản ánh chính sách này còn nhiều hạn chế do thời điểm thu mua chậm hơn thời điểm thu hoạch ở một số nơi. Khi đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn chính sách mua tạm trữ lúa gạo không đúng lịch thời vụ, Bộ trưởng Cao Đức Phát biện bạch rằng, việc thu mua tạm trữ diễn ra vào thời điểm thu hoạch rộ nhất và không thể phù hợp với tất cả các tỉnh. Bộ trưởng nêu thực trạng: “Khi Đồng Tháp đã thu hoạch 70% diện tích lúa hè thu thì Bến Tre bắt đầu xuống giống; trong khi Hậu Giang đã thu hoạch được 10% diện tích lúa hè thu thì An Giang mới bắt đầu thu hoạch… nên không thể nào có một chương trình đáp ứng được tất cả các địa phương”.

Có một vấn đề nữa mà hầu như chưa thấy ai đề cập tới: Đợt thu mua tạm trữ lúa vụ đông xuân từ ngày 20/2 đến ngày 31/3/2013, với thời hạn thu mua tạm trữ tối đa 3 tháng, như vậy, khoảng thời gian từ 20/5 đến 31/6 là thời điểm các doanh nghiệp đồng loạt giải phóng lượng lúa thu mua tạm trữ cũng trùng với thời điểm thu hoạch lúa vụ hè thu, tạo nên áp lực khiến lúa vụ hè thu giảm giá. Vì vậy, triển khai chính sách thu mua tạm trữ cần phải tính toán kỹ “điểm rơi” của thời vụ thu hoạch.

Không kỳ vọng lợi nhuận cao

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đợt tạm trữ lúa vụ hè thu bắt đầu từ ngày 15/6 đến 31/7, với chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo. Thế nhưng, trước ngày diễn ra đợt thu mua tạm trữ, giá lúa gạo tại ĐBSCL bất ngờ lao dốc. Giá lúa tươi ngày 14/6 tại Tiền Giang, Đồng Tháp chỉ còn khoảng 3.700 - 3.900 đồng/kg (tùy giống), giảm bình quân 100 đồng/kg so với tuần đầu tháng sáu, dưới giá thành tính toán của Bộ Tài chính là 4.100 đồng/kg. Một số người cho rằng, lần giảm giá trước ngày tạm trữ có thể là “thao tác” của doanh nghiệp để khi chương trình tạm trữ chính thức diễn ra, doanh nghiệp sẽ nâng giá mua trở lại mức cũ (mức giá của tuần trước), tạo “hiệu ứng” như là chương trình tạm trữ đã giúp giá lúa gạo tăng lên. Điều này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của các cơ quan chức năng là, giá lúa sẽ “nhích lên” để tự “an ủi” một phần trách nhiệm với nông dân!?

Ông Phong nhận định: “Năm nay, giá định hướng không thể bằng năm ngoái vì dư thừa quá nhiều. Việc thu mua dứt khoát không được dưới giá thành. Mục tiêu của hiệp hội là không để nông dân lỗ, có lãi là được, còn mức lãi 30% trở lên rất khó”. Số tiền dự trù cho vay thu mua tạm trữ vụ hè thu chỉ hơn 7.000 tỷ đồng, thấp hơn so với 7.612 tỷ đồng trong đợt thu mua tạm trữ vụ đông xuân, trong khi khối lượng gạo chỉ định thu mua vẫn là 1 triệu tấn, cho thấy Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã xác định (hay vô tình ấn định) giá lúa thu mua vụ hè thu sẽ thấp hơn vụ đông xuân.

Tại hội nghị thường niên triển vọng các ngành hàng nông sản diễn ra cách đây hơn 2 tháng, bà Trần Hoàng Nhị, Trung tâm Phân tích chính sách của Đại học Monash với tham luận: “Mô phỏng cải cách một số chính sách sản xuất và XK lúa gạo của Việt Nam” cho biết, nghiên cứu của Monash thử cho chạy mô hình nếu bỏ chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo mà Nhà nước đang áp dụng thì giá gạo XK sẽ tăng 3,9%, lợi nhuận của nông dân tăng 2,4% ở ĐBSCL. Tại sao lại ngược đời như vậy? Bà Nhị giải thích, từ khi có chính sách tạm trữ lúa gạo, cứ mỗi khi chuẩn bị thu hoạch rộ là các doanh nghiệp lại đẩy giá lúa thu mua xuống, tiếp đến là VFA, Bộ Nông nghiệp và PTNT hối thúc Nhà nước cho hỗ trợ vay mua tạm trữ lúa gạo. Nếu bỏ chính sách này, doanh nghiệp cần nguyên liệu đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu, không có lý gì mà không mua lúa của dân khi họ thu hoạch. Theo nhiều chuyên gia, không nên giao cho doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo nữa. Nhà nước nên dùng ngân sách để mua lúa gạo trong dân rồi bỏ vào hệ thống kho dự trữ quốc gia. Điều này giúp giữ áp lực cung không bị căng thẳng, làm giảm giá. Sau đó, chọn thời điểm thích hợp Nhà nước sẽ cho doanh nghiệp đấu thầu mua lại lúa gạo để bán ra thị trường thế giới. Cùng với tạm trữ để điều tiết đầu ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cần tập trung mạnh hơn nữa vào chỉ đạo sản xuất. Hiện nay, nông dân vẫn mạnh ai nấy làm nên mỗi hộ trồng một giống. Đến khi thương lái đi mua cũng gom nhiều nơi, đến tay doanh nghiệp xuất khẩu là một thứ hỗn độn, nên giá sẽ không cao.

 

Báo Kinh tế nông thôn

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...