Đồng bằng sông Cửu Long: Phập phồng tiêu thụ lúa thu đông

Vợ chồng chị Huỳnh Thị Nga ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) lo lắng khi giá lúa sụt giảm.

Các tỉnh thành ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa thu đông sớm, nhưng giá lúa liên tục giảm khiến nông dân như ngồi trên lửa. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, giá thành sản xuất lúa vụ này dao động từ 3.600 – 3.800 đồng/kg, nếu thời gian tới khi vào giai đoạn thu hoạch rộ, giá lúa tiếp tục giảm, nông dân sẽ không còn lời…

Giảm giá, khó bán!

Những ngày này đi dọc các xã Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh, Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đâu đâu cũng thấy lúa chín vàng, nông dân đang vào vụ thu hoạch nhưng phập phồng lo chuyện rớt giá và khó tiêu thụ. Chị Huỳnh Thị Nga, ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình cho biết: “Vụ này canh tác 2,5ha lúa thu đông vừa thu hoạch được gần 14 tấn, tăng khoảng 2 tấn so với năm ngoái. Thế nhưng mấy ngày nay giá lúa giảm liên tục và khó tiêu thụ khiến cả nhà rất lo”. Theo chị Nga, hiện tại thương lái mua lúa tươi loại thường chỉ 3.900 – 4.000 đồng/kg; lúa tươi hạt dài 4.300 – 4.400 đồng/kg, bình quân giảm từ 400 – 600 đồng/kg so thời điểm tháng 8-2013. Ông Đặng Văn Hải, chủ 1,5ha lúa thu đông ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Lúa thu hoạch ngay lúc trời mưa khiến các khoản chi phí tăng cao. Vậy mà thương lái trả giá thấp quá và còn chê lúa ướt, lúa dơ, lép… rồi bỏ đi không thèm mua. Với tình hình hiện tại, nếu bán được lúa, tính ra dù không lỗ vốn nhưng đồng lời thu được chẳng bao nhiêu”.

Tại các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, nước lũ đang cuồn cuộn đổ về và nhiều nông dân khẩn trương thu hoạch lúa thu đông. Ông Phan Thanh Xuân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho biết, đến nay nông dân các xã Tân Hộ Cơ, Tân Thành A, Tân Phước, Tân Công Chí… đã thu hoạch gần 3.000ha lúa thu đông. Hầu hết diện tích thu hoạch sớm đều trúng mùa, năng suất đạt tới 5,8 tấn/ha; dù vậy bà con không vui do giá lúa đang giảm mạnh. Ông Đoàn Ngọc Anh, ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, trăn trở: “Vụ hè thu rồi giá lúa thấp quá nên nông dân gần như phủi tay. Ai cũng hy vọng vụ thu đông này gỡ lại, nào ngờ mới vào vụ nhưng giá lúa sụt liên tục, xem như chẳng được gì!”. Cùng lo lắng trên, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, tâm sự: “Lúa giảm giá đã đành nhưng ngại nhất là khó tiêu thụ. Hiện nay mới đầu vụ sản lượng lúa còn ít, thời gian tới khi toàn vùng vào thu hoạch rộ, giá tiếp tục giảm thêm là khó tránh khỏi. Khi đó nông dân lãnh đủ”.

Giữ giá cách nào?

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến giữa tháng 9-2013, toàn vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 600.000/790.000ha lúa thu đông theo kế hoạch đề ra. Trong khi đó tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đang thu hoạch lúa thu đông sớm và dự kiến sang tháng 10-2013 sẽ thu hoạch rộ. Vấn đề lo ngại lúc này là giá lúa liên tục giảm và có dấu hiệu chựng lại trong việc tiêu thụ, bởi những tác động của thị trường xuất khẩu gạo thế giới gặp khó khăn. Trước tình hình trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo trong vụ hè thu muộn và vụ thu đông, nhằm giữ giá lúa ổn định đảm bảo quyền lợi nông dân. Dự kiến thời gian triển khai mua tạm trữ từ ngày 15-9 đến 15-10; theo đó đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong 2 tháng, kể từ ngày 15-9.

Theo các nhà chuyên môn, trong điều kiện xuất khẩu gạo trên thế giới cạnh tranh quyết liệt, khiến giá lúa nội địa bị ảnh hưởng. Do đó, việc triển khai tạm trữ là cần thiết. Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết: “Năm nay diện tích lúa thu đông ở tỉnh đạt tới 92.000ha, tăng hơn 15.000ha so năm 2012. Để giữ giá lúa trong nước không bị tuột dốc thêm nữa, cần nhanh chóng triển khai mua tạm trữ”. Có thể nói, sau vụ hè thu vừa rồi giá lúa thấp khiến nhiều nông dân không lời. Do đó ngành nông nghiệp các tỉnh thành ĐBSCL rất lo lắng để vụ thu đông này “được mùa – được giá” nhằm ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, việc giá lúa đảo chiều giảm liên tục gần đây khiến mọi việc trở nên khó khăn. Hiện VFA đang chờ ý kiến Chính phủ về việc mua tạm trữ 300.000 tấn gạo nhằm cứu vãn thị trường nội địa. Song, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL đề xuất phải có chiến lược xuất khẩu gạo căn cơ hơn. Theo đó, việc sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, mà mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hướng đi phù hợp để hướng tới nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, ủng hộ chủ trương Bộ Công thương vừa đưa ra trong việc quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo đến năm 2015. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng lúa nguyên liệu. Đây là điều kiện cần thiết, bởi doanh nghiệp xuất khẩu là người rõ nhất về nhu cầu thị trường; vì vậy doanh nghiệp cần đặt hàng nông dân trồng giống lúa gì, chất lượng ra sao, sản lượng bao nhiêu, thời gian tiêu thụ, giá cả… Một khi gắn kết chặt giữa doanh nghiệp và nông dân thì vấn đề sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo sẽ được giải quyết thấu đáo./.

 

Theo SGGP

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...