Nuôi cá lóc- nghề mới phát

Thật bất ngờ từ cách làm nhỏ lẻ, nghề nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang vươn lên thành nguồn lợi mới. Nghề nuôi cá lóc đạt sản lượng tới 40.000 tấn/năm, nhiều hộ nuôi cá đạt trên 14 tấn sản phẩm/năm, chỉ xếp sau cá tra, tôm sú. Hơn thế nữa, thành công trong việc nuôi cá lóc bằng thức ăn chế biến công nghiệp không phụ thuộc vào nguồn cung cá tạp sẽ mở ra hướng đi mới.

Nguồn lợi mới

Cá lóc là loài cá đặc trưng ở nước ta và đang được nông dân nuôi nhiều ở ĐBSCL. Cá lóc thịt ngon, ngọt, được chuộng dùng chế biến thực phẩm trong bữa ăn thường ngày của các gia đình. Trước đây, vào mùa tát đìa cá đồng, cá lóc thu nhiều còn có thể chế biến tạo giá trị gia tăng và bảo quản dùng được lâu như làm mắm, phơi khô, chà bông.

Trên thị trường nội tiêu, cuộc khảo sát tiêu dùng của Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ cho thấy người tiêu dùng ở các đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL khi chọn mua cá cho bữa ăn gia đình thì vẫn ưu tiên hàng đầu là mua cá lóc, sau đó lần lượt tới cá rô đồng, cá biển, cá tra, cá điêu hồng. Bắt mạch nhu cầu, từ khi chủ động tạo được nguồn cá giống nhân tạo và các khâu ương giống, phòng trị một số bệnh cá trong quá trình nuôi, sản lượng cá lóc không ngừng tăng lên.

Từ lâu nghề nuôi cá nước ngọt ở ĐBSCL thịnh hành như nuôi trong ao hay lồng bè. Vào những năm 1960 nghề nuôi cá lóc bông trong lồng bè đã xuất hiện ở Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp). Từ năm 1990 đến nay, nghề nuôi cá lóc đen ở vùng ảnh hưởng lũ trở nên phổ biến. Cá lóc nuôi tương đối dễ, có thể nuôi ở dạng bán thâm canh, thâm canh với nhiều hình thức đơn giản như nuôi trong ao đất, trong lồng bè, trong mương hay trên ruộng lúa.

 Cá lóc đen lớn nhanh, thu hoạch sau 4-5 tháng nuôi nên có thể tăng lên 2 vụ/năm. Cá lóc bông nuôi thu với cỡ cá lớn hơn nên thời gian nuôi kéo dài khoảng 8 tháng. Nhiều hộ dân tham gia nuôi cá, trong đó chiếm phần nhiều là hộ nuôi qui mô nhỏ lẻ sử dụng lao động gia đình để lấy công làm lời, có thêm thu nhập.

Theo so sánh hiệu quả các mô hình, chi phí nuôi cá lóc trong lồng bè là cao nhất (khoảng 2,3 triệu đồng/m3/vụ); kế đến là nuôi ao nổi khoảng 1,9 triệu đồng/m3/vụ và chi phí thấp nhất là nuôi ao đất. Nuôi cá lóc bông đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn nuôi cá lóc đen và với mật độ nuôi 40-80 con/m3 cho tỉ suất lợi nhuận cao nhất. Trong 5 tác nhân chính tham gia chuỗi giá trị cá lóc: hộ nuôi cá, chủ vựa, cơ sở chế biến, sạp bán lẻ và người tiêu dùng, hai đối tượng thương lái và người nuôi chiếm lợi nhuận nhiều hơn.

Mở hướng mới

Nghề nuôi cá lóc đang phổ biến ở vùng ĐBSCL. Hồi lúc khởi phát thường dựa vào lợi thế mùa lũ, tận dụng nguồn thức ăn cung cấp chủ yếu từ các loài cá tạp (thường là loài cá trắng có kích cỡ nhỏ). Dần dần nghề nuôi phát triển nhiều nên gây ra không ít lo ngại nuôi cá lóc dẫn tới đe dọa các giống loài thủy sản khác. Giới chuyên môn tính toán rằng, người nuôi muốn thu 1 kg cá lóc cần tiêu tốn tới 4-4,5 kg cá tạp.

Với tổng sản lượng cá lóc nuôi trong vùng 30.000 tấn/năm thì phải sử dụng tới 50.000 tấn cá tạp nước ngọt và 75.000 tấn cá tạp biển, tương ứng với 30% sản lượng khai thác nội địa và chiếm 12% sản lượng khai thác hải sản hằng năm của ĐBSCL. Đó thật sự là vấn đề lớn đáng lo ngại đối với nguồn lợi thủy sản và an ninh thực phẩm cho cộng đồng, nhất là cộng đồng nghèo ở vùng nông thôn.

Ở vùng lũ ĐBSCL có 145 loài cá tự nhiên, 14 loài tôm nước ngọt. Trong đó có 13 loài cá và 3 loài tôm có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng cá tự nhiên khai thác khoảng 150.000 tấn/năm và biến động theo mùa lũ. Tuy nhiên hiện nay khai thác cá tự nhiên của các nông hộ đã giảm 70-80% so với 10 năm trước.

Cũng vì lý do này, từ năm 2005 Vương quốc Campuchia cấm nuôi loài cá này (ngoại trừ làm thí nghiệm). Nghề nuôi cá lóc muốn phát triển đã thật sự gặp trở ngại, vì phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thức ăn từ cá tạp. Trong khi nguồn cá tạp thường có nhiều trong mùa lũ thì mấy năm gần đây trữ lượng tự nhiên suy kiệt. Nhìn sang nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, nông dân dùng thức ăn công nghiệp dạng viên là một vấn đề kinh tế xã hội.

Từ đó cuộc nghiên cứu của Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ trong việc tập cho cá lóc ăn thức ăn công nghiệp phối chế từ các nguyên liệu thực vật tại địa phương xem như mở ra hướng đi mới. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó trưởng Khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ, đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: Mục tiêu trong nghiên cứu phát triển thức ăn chế biến cho cá lóc là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động nguồn thức ăn cho cá, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển nuôi cá thâm canh. Nuôi cá lóc có thể thay thế đến 50% thức ăn chế biến trong khẩu phần mà không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng; thay thế cá tạp bằng 100% thức ăn chế biến sẽ giảm chi phí thức ăn/kg cá tăng trọng.

Nghiên cứu này mang nhiều ý nghĩa trong việc đáp ứng nhu cầu nghề nuôi cá lóc thâm canh đang phát triển mạnh ở miền Tây.

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...