VAC an toàn: Lỗ hổng từ khâu phân phối

Trong khuôn khổ Chương trình Ngày hội sản phẩm VAC an toàn đang diễn ra tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, sáng ngày 16/4 đã diễn ra Hội thảo “Chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn”. Tại Hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng khâu phân phối sản phẩm nông sản từ nơi sản xuất đến người tiêu thụ còn quá nhiều bất cập.

Nơi ăn không hết, nơi lần không ra Theo TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (HLV) hiện nay sản lượng trái cây của cả nước đạt khoảng 7 triệu tấn trong đó chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam bao gồm các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Với sản lượng này Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về sản xuất trái cây. Tuy nhiên, việc tiêu thụ ngành hàng này từ nhiều năm nay tồn tại tình trạng mất cân đối và bất hợp lý. Hiện, 85% sản lượng trái cây được tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ có khoảng 3-4% được xuất khẩu dưới hình thức trái cây tươi. Điều này cho thấy thị trường nội địa vô cùng quan trọng đối với ngành trái cây. Nhưng thực việc phân phối mặt hàng trái cây ở nội địa lại đang vấp phải thực trạng mất cân bằng. Có những địa phương sản lượng trái cây làm ra nhiều, bán không hết, cho không ai lấy nhưng có những vùng quê muốn tìm mua một ít trái cây để ăn hoặc để biếu người bệnh cũng bói không ra. 

Việc mất cân bằng này xảy ra từ nhiều năm, nguyên nhân là chính là do khâu phân phối sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Các địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương các tỉnh hầu như chưa có sự quan tâm hoặc quan tâm chưa tới đối với ngành hàng trái cây. Trong khi đó, phía nhà vườn thì lại hầu hết “mù tịt” không thể biết, hoặc không thể kiểm soát được sản phẩm của mình làm ra được bán đến tay người tiêu thụ như thế nào, do họ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. “Tôi đã từng đi thực tế ở một số nơi ở Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ở một số nơi cả năm mỗi người không được ăn quá 1 nải chuối, trong khi đó ở các tỉnh ĐBSCL thì chuối sản xuất ra không biết bao nhiêu mỗi ngày. Nhiều khi bán xô, bán mớ cho thương lái với giá vô cùng rẻ mạt” - bà Mai nói. 

Hơn nữa, việc để cho thương lái tự do chi phối ngành hàng trái cây, chính là nguyên nhân gây nên sự mất cân đối nguồn hàng. Lỗi này không phải do thương lái vì chính họ chỉ là người trung gian, buôn bán. Họ chỉ có thể mua gom trái cây từ nhà vườn rồi phân phối tiêu thụ tại các chợ đầu mối, các sạp chợ truyền thống hoặc bán buôn cho các vựa. Do cân đối hiệu quả kinh doanh nên tự thân thương lái không thể thực hiện phân phối sản phẩm ra các thị trường xa mà cần phải có sự giúp sức của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan. “Hiện nay chúng ta đang tiến hành lấy ý kiến để quy hoạch vùng trái cây tập trung sản xuất 14 loại trái cây được cho là có lợi thế cạnh tranh. Tôi cho rằng ngoài việc quan tâm đến các yếu tố “đầu vào” thì việc tính toán đến đầu ra của sản phẩm, nhất là phối hợp giữa các tỉnh/thành làm sao để tạo ra một hệ thống phân phối trái cây tại thị trường trong nước là một trong những vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện” – bà Mai nhấn mạnh. 

Người trồng phải hưởng 50% lợi nhuận

Bà Võ Mai cho hay, do những bất cập của hệ thống phân phối, công với lượng thất thoát sau thu hoạch quá lớn khiến giá bán các sản phẩm trái cây hiện nay đến tay người tiêu dùng hầu hết cao gấp nhiều lần so với bán tại vườn. Điều này cho thấy nông dân trồng cây ăn quả không được lợi bao nhiêu so với công sức lao động và vốn đầu tư. Nếu tính toán, phân chia lợi nhuận cho cả chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây thì người trồng phải được hưởng 51,61% lợi nhuận thì mới xứng đáng với công đầu tư 4-6 năm trồng, 5-10 tháng chăm sóc. Các nhà thương lái thu gom thực tế bình quân chỉ mất 8-10 giờ/ngày thì mức lợi nhuật khoảng 10%, công phân loại và bảo quản tính cho các chợ đầu mối (1-2 ngày) cũng chỉ ở mức 10-12%. Những sạp bán lẻ, cửa hàng trái cây lớn có thể đạt mức lợi nhuận 25-26% là hợp lý vì họ bảo quản trái cây và bán đến tay người tiêu dùng trong vòng 3-10 ngày. 

Để tập trung xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây này, theo Nhóm nghiên cứu thuộc Viện chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bên cạnh việc gắn kết các nhà sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh/chế biến trái cây, các địa phương sản xuất trái cây trong điểm cần tạo ra các điều kiện về chính sách ưu đãi nhằm thu hút các công ty đa quốc gia về rau quả vào đầu tư và kinh doanh để tận dụng lợi thế về khoa học kỹ thuật, điều kiện tiếp cận thị trường của họ nhằm nâng cao khả năng thương mại hóa như các nước Thái Lan, Philippine đang thực hiện… Ông Nguyễn Đức Lộc, cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu trên cho rằng, hiện nay việc phát triển và hỗ trợ nâng cao hiệu quả cho hệ thống chợ đầu mối nên được xem xét và phát huy.

Bên cạnh đó cần hình thành hệ thống cung cấp thông tin thị trường một cách có hiệu quả cho ngành hàng trái cây ở các tỉnh Nam bộ. Trong đó cần có những thông tin về dự báo cung, dự báo cầu về thời điểm thu hoạch rộ, thông tin về người sản xuất và thông tin và doanh nghiệp, người tiêu dùng,… cần đảm bảo chính xác. “Làm tốt điều này giúp ngành trái cây tận dụng được những khoản mất đi do thất thoát trong và bất hợp lý trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Xen vào đó, nếu kết hợp thêm với các chương trình kích cầu tiêu thụ trái cây như quảng bá trái cây theo vùng và mùa vụ, kết hợp ngành trái cây với du lịch sinh thái… sẽ giúp người nông dân có được nhiều lợi nhuận hơn từ sản phẩm của mình” - ông Lộc cho biết.  

Theo nhóm nghiên cứu, trong vòng 10 trở lại đây, tâm lý người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. HCM vẫn chưa thay đổi nhiều về cách đánh giá về các địa điểm mua bán đối với ngành hàng rau quả. Hiện, hệ thống chợ truyền thống vẫn là nơi chính cung cấp rau quả cho người tiêu dùng (chiếm 90%), Người bán dạo là đối tượng cung cấp khoảng 3-6% lượng rau quả, và chỉ có khoảng 3-5% sản phẩm rau quả đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống các siêu thị.

Nguồn Kinh tế nông thôn

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...