Hiệu quả từ các giống bò thịt chất lượng cao
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã triển khai các mô hình chăn nuôi giống bò thịt chất lượng cao. Dù ban đầu người dân còn e ngại vì giống bò mới có hình dáng, màu sắc rất khác lạ, nhưng sau một thời gian triển khai thử đã thu lại lợi nhuận cao, giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế bền vững.
Những năm trước đây, gia đình ông Đặng Đình Tùng, xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) chủ yếu là nuôi bò vàng, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao, nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Cách đây 2 năm, gia đình ông được Trung tâm giống vật nuôi Bình Định hỗ trợ giống chuyển giao kỹ thuật, tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao bằng 2 giống bò lai 3B và Red Angus của Bỉ.
Giống bò 3B có màu đen tuyền, giống bò Red Angus thì có màu nâu hoặc đỏ đậm, cả hai giống bò này đều có cơ thể cao to, bắp thịt nổi cuồn cuộn, nặng hơn nhiều so với giống bò cũ. Những giống bò mới đã giúp ông Tùng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Ông Tùng phấn khởi cho biết, khi mới nhập về thì một con giống chừng 4 - 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 50 đến 150 kg có giá 15 triệu. Sau 2 năm nuôi thì lên được khoảng 700 kg, xuất chuồng bán được khoảng 60 triệu. Tổng cộng tiền vốn bỏ ra để nuôi một con bò là 40 triệu, tức là sau 2 năm lãi được 20 triệu/con. Hiện giờ trang trại bò của ông Tùng đã có hơn 30 con, nhiều lứa tuổi, cho thu nhập ổn định. Ông đang tìm thêm vị trí để thuê đất làm trang trại, mở rộng đàn bò.
Anh Nguyễn Thanh Toàn, 29 tuổi, tại xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) cũng mạnh dạn chọn chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là con đường khởi nghiệp. Từ bỏ công việc ổn định ở thành phố Quy Nhơn, đầu năm 2016, anh Toàn quyết định về quê xây dựng chuồng trại, đầu tư vốn cho các giống bò “lạ” nhập ngoại. Trên khu đất rộng khoảng 300m2, anh Toàn thiết kế khu chuồng trại khép kín. Mỗi con bò đều có chỗ ăn, ngủ và tắm nắng.
Đàn bò của anh Toàn hiện đang có 20 con, tăng trưởng tốt. Với các giống bò lai này, ngoài cỏ, cần phải cho ăn thêm hèm rượu lên men và một số loại cám để kích thích phát triển. Khu chuồng trại cũng phải thiết kế diện tích đủ để bò có thể đi lại, tắm nắng, như vậy mới tiêu hóa được thức ăn - anh Toàn chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả chăn nuôi, bên cạnh việc đầu tư xây dựng chuyển giao các giống vật nuôi mới cho nông dân, Trung tâm giống vật nuôi Bình Định đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 11 mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao bằng 2 giống bò lai chủ lực là 3B và Red Angus. Mỗi hộ tham gia mô hình được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/con đối với 10 con bò giống.
Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ thú y chuyển giao kỹ thuật, chuồng trại, hỗ trợ tiền chuyển những diện tích cây trồng chưa hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, phong trào chăn nuôi bò thịt chất lượng cao phát triển mạnh, nhiều hộ đã phát triển được đàn bò thịt chất lượng cao từ 10 đến 20 con, hiệu quả kinh tế thì tăng trưởng rõ rệt so với chăn nuôi bò thông thường cho người nông dân.
Theo ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm giống vật nuôi Bình Định, Trung tâm đã thực hiện thụ tinh nhân tạo mỗi năm hàng chục ngàn con cho riêng 2 giống bò này. Năm 2016, phối giống cho 18.000 con bò và năm 2017 là phối 22.000 con. Với số lượng bò cái có chửa đó, mỗi năm xuất ra khoảng 20.000 con bê giống chất lượng cao của 2 giống bò 3B và Red Angus, đưa vào sản xuất chăn nuôi nông hộ.
Tập trung vào các mô hình nông nghiệp chất lượng cao là một trong những định hướng phát triển kinh tế lâu dài của tỉnh Bình Định. Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định, nông nghiệp vẫn chiếm 26-27% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thông qua việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bình Định hướng vào ngành nông nghiệp chất lượng cao. Tỉnh đã tìm được một số mô hình rất hiệu quả. Các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, không bị biến động giá sẽ được đánh giá, tổng kết và tiếp tục đẩy mạnh triển khai.
Đến thời điểm này, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển được hơn 300 ngàn con; trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 78,4%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng bình quân từ 1,8 - 2%/năm. Tỉnh cũng đang tận dụng tối đa các tiềm năng, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, huy động nguồn lực, đưa chăn nuôi bò thịt thành vật nuôi sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng cho tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu; qua đó, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân./.
Bài viết cùng danh mục
- Nuôi gà theo công nghệ mới đạt hiệu quả kinh tế cao
- Kháng kháng sinh - mối đe dọa cả nhân loại
- Kết quả thực nghiệm các giống bắp mới tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
- Hướng dẫn phòng, chống bệnh do Tilapia lake virus trên cá rô phi
- Đắk Nông: Nuôi gà ta đẻ trứng cho thu nhập ổn định
- Phương pháp nuôi tôm mùa mưa
- Quy trình nuôi cá chép V1
- Nuôi gà nòi lai an toàn sinh học
- Kinh nghiệm chọn tôm giống và nâng cao tỷ lệ sống, tăng năng suất tôm nuôi
- Trúng độc Aflatoxin trong thức ăn chăn nuôi
Tin xem nhiều
Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5
Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI 1. ... |
Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ... |
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm
Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ... |
Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm
Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ... |
Nuôi cá lăng nha trong lồng bè
Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ... |
Video xem nhiều
Sử dụng thuốc gốc đồng để trừ bệnh
(Nguồn THĐT) |
Tác dụng của Canxi với sự sinh trưởng của cây lúa
(Nguồn THĐT) |
(Nguồn THVL) |
Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao
Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ... |
Sinh vật cảnh tiềm năng kinh tế nông nghiệp đô thị
(Nguồn THĐT) |