Xây dựng nông thôn mới từ du lịch

Ảnh minh họa

Lãnh đạo huyện Long Hồ nhận định: “Từ lợi thế thiên nhiên, người dân 4 xã cù lao đã chuyển dịch kinh tế từ làm ruộng, làm vườn sang chuyên canh cây ăn trái và làm dịch vụ cho khách vào vườn cây theo mùa vụ”.

Kết hợp kinh tế nông nghiệp làm du lịch chính là một trong những con đường “ngắn nhất”, hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.

Trong số 900.000 lượt khách đến Vĩnh Long trong năm 2012, có trên 200.000 lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch trong khoảng 200 tỷ đồng. Với gần 30 điểm vườn phục vụ các dịch vụ du lịch, đã giải quyết việc làm đáng kể cho lao động nông thôn. Hiện tổng số lao động trực tiếp trong ngành là 1.300 người. Trong đó, phần lớn là trên địa bàn huyện Long Hồ.

Như vậy, cho dù du lịch chưa phát triển tốt, nhưng đây cũng là lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được trong phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Có thể nói du lịch vừa là lợi thế, vừa là động lực góp phần đưa 4 xã cù lao của huyện Long Hồ sớm đạt được những tiêu chí khó, như: thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Điểm du lịch Ba Hùng (ấp An Phú 1, xã Bình Hòa Phước), có lượng khách trung bình khoảng 30- 40 khách/ngày. Vào mùa cao điểm có thể đón 80- 90 khách/ngày. Chi phí cho mỗi khách trong khoảng 12- 15USD.

Ông Ba Hùng cho biết: “Hiện lượng khách đoàn đã giảm khoảng 50% so với trước đây. Bù lại khách ba lô tăng cao, dạng khách này khá dễ chịu dù chi tiêu thấp, nhưng các chủ vườn thu tiền trực tiếp mà không phải qua trung gian nào, nên có thể chấp nhận được”.

Đây là nguồn thu đáng kể đối với các chủ vườn. Ngoài ra, mỗi điểm vườn đã tạo thêm việc làm cho một số bà con xung quanh. Hiện tại điểm vườn Ba Hùng có 6 người phụ việc, với thu nhập ổn định từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng.

Khi đông khách có thể gọi thêm người làm theo giờ. Điểm du lịch Ba Hùng vừa đầu tư trên 300 triệu đồng, xây dựng 2 phòng khách VIP có đầy đủ tiện nghi, nhằm phục vụ cho những đoàn khách có nhu cầu cao.

Riêng đội ngũ tàu du lịch hiện nay ở Vĩnh Long cũng đã có khoảng 90 chiếc. Như vậy, trong lĩnh việc vận chuyển khách cũng đã tạo việc làm có thu nhập khá cho gần 200 lao động nông thôn, mà hầu hết những người làm nghề đều là người dân của 4 xã cù lao.

Theo ông Nguyễn Văn Bình- doanh nghiệp Mekong Travel: “Doanh nghiệp mình đã đầu tư đội tàu lên đến 28 chiếc. Thu nhập của mỗi tài công không dưới 2,5 triệu đồng/tháng. Còn những người phục vụ tại Điểm du lịch Út Trinh (Mekong Travel), có thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng”.

Đối với khu vực nông thôn, đây là thu nhập khá cao. Ngoài thời gian chăm sóc vườn, bà con trên địa bàn có thêm nguồn thu đáng kể từ kinh doanh du lịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình vẫn trăn trở rằng: “Rất tiếc là du lịch chưa được quan tâm đúng mức, để có thể phát triển xứng với tiềm năng, đồng thời có thể nâng cao sức cạnh tranh. Không nói đâu xa, ngay như huyện Cái Bè (Tiền Giang), đang được lãnh đạo địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người làm du lịch, nên hiện nay đang phát triển rất mạnh”.

Ông Bình mong mỏi trên 4 xã cù lao sẽ làm tốt du lịch cộng đồng, qua hình thức chọn lựa những gia đình rải rác ở nhiều nơi, và mỗi gia đình chỉ nên đón tiếp 1- 2 khách, hoặc số khách đi theo dạng gia đình. Điều này, sẽ tránh gây nhàm chán ở các điểm nghỉ hiện nay, do đã “du lịch hóa” và thường ghép nhiều khách vào nghỉ một nơi sẽ mất đi ý nghĩa của homestay.

Một chương trình tour du lịch mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, là du lịch kết hợp xây nhà cho người nghèo và sửa chữa trường học.

Cho đến nay, sau 3 năm Mekong Travel đã đưa các đoàn khách quốc tế xây được 20 căn nhà ở tỉnh Bến Tre; còn ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã xây được 15 căn nhà và sửa chữa 2 trường học.

Một số người làm du lịch có cùng nhận định, việc mở rộng đầu tư riêng lẻ của từng doanh nghiệp, từng điểm du lịch, chỉ là sự cạnh tranh thị phần trong “miếng bánh nội bộ”. Khách chỉ có bao nhiêu đó, nên khi tăng ở chỗ này sẽ giảm ở chỗ khác.

Do đó, nên có những dự án phát triển tổng thể, cùng với việc quan tâm của địa phương, nhằm tạo sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Du lịch càng phát triển chính là đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới ở 4 xã cù lao.

 

Báo Vĩnh Long Online

Bài viết cùng danh mục

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...