"Kỹ sư" Hai Lúa

Ông Lía bên lò xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng

Những sáng kiến của "kỹ sư" Trần Văn Lía ở thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như máy bắt muỗi, xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng đều xuất từ thực tế mang lại tiện ích cho nông dân.

Năm 2009, sau khi sáng kiến chế tạo máy bắt muỗi của ông Lía được TƯ Hội Nông dân VN tặng bằng khen “Sao Thần Nông”, "kỹ sư" Hai lúa này tiếp tục đưa ra giải pháp “Xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng” tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà lần thứ 5 (2013) và đạt giải Ba. Ông đang gửi hồ sơ tham gia hội thi Sáng kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 sắp tới.

Máy bắt muỗi phục vụ chăn nuôi

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Lía không khó bởi khi nhắc đến người nông dân sáng tạo máy bắt muỗi thì ai cũng biết. May mắn cho chúng tôi lần đầu tiên đến nhà được gặp ông mà không hề có cuộc hẹn nào.

Cũng như mọi khách xa khi đến nhà, ông đều niềm nở mời thưởng thức ly rượu nếp than lâu năm bỏ ít đá lạnh uống có vị cay nồng. Lúc đầu ông cứ nghĩ chúng tôi là khách hàng tới đặt hàng mua máy bắt muỗi, nhưng khi biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu các sáng kiến thì Hai lúa rất hào hứng chia sẻ.

Ông Lía cho biết, ý tưởng cho ra máy bắt muỗi xuất phát từ năm 2007 khi ông mua 5 con bò lai sind có giá trị hàng chục triệu đồng về nuôi. Nhưng trong quá trình nuôi, do nhà gần ruộng nước, chuồng nuôi ẩm thấp nên muỗi xuất hiện nhiều. Muỗi đốt khiến bò ốm đau, không lớn được.

Mặc dù ông đã mua các loại máy bắt muỗi trên thị trường, nhưng chẳng có loại nào mang hiệu quả và chỉ sử dụng trong thời ngắn là bị hỏng. Từ đó ông quyết định tự chế tạo một máy bắt muỗi phù hợp theo cách nghĩ của mình. Sau nhiều lần mày mò thí nghiệm, ông đã cho "ra lò" chiếc máy bắt muỗi đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Cấu tạo máy gồm một chiếc quạt bàn, 2 cái ống bằng tôn (1 ống hút và 1 ống đẩy) một túi đựng muỗi bằng lưới mịn và 1 cái bóng điện. Nguyên lý hoạt động của máy là khi cắm điện quạt chạy sẽ hút muỗi bay vào lưới qua ống hút và ống đẩy.

Ngoài ra để sử dụng máy vào ban đêm, bên trong mặt trong ống hút còn được bắt thêm bóng đèn và dán giấy màu phản quang đủ màu để thu hút muỗi vào.

“Khi chế tạo xong tôi cho máy chạy thử trong chuồng bò thì muỗi được diệt sạch. Thấy máy hiệu quả, tôi làm thêm vài chiếc nữa để đặt trong chuồng gà, heo. Từ ngày đặt máy lượng muỗi giảm bẳn, đàn bò và lợn không còn bị muỗi đốt nên khoẻ mạnh, nhanh lớn”, ông Lía nói.

Sau khi chế tạo máy bắt muỗi thành công ông được nhiều bà con tín nhiệm đặt hàng. Cho đến nay, ông đã cung cấp đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi 1.300 máy với giá bán 570.000 đồng/máy.

Rác thải thực vật thành phân bón

Ông Lía chia sẻ, nông dân quá lạm dụng đất để tăng vụ và sử dụng nhiều phân hoá học, thuốc BVTV khiến đất bị chai cứng. Rác thải thực vật như trấu, rơm rạ, cây cỏ, xác mía… thường vứt bừa bãi, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ thực tế trên, ông nghiên cứu xử lý rác thải thực vật thành phân khoáng nhằm cải tạo đất bạc màu, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Để làm được điều này ông đắp 1 lò giữ nhiệt hình tròn có đường kính 2 m, chiều cao 1,1 m, thành lò xây 2 lớp gạch trét bằng đất bề dày 22 cm; chính giữa đường thành lò dùng 1 tấm tôn dài 7 m, cao 1,1 m để giữ nhiệt, phía dưới sát đáy xây miệng lò kích thước (60 x 40 cm), xung quanh có 3 lỗ thông không khí (12 cm). Đặt ống khói đường kính 12 cm, dài 5 m, ống khói được khoan nhiều lỗ nhỏ để thải nhiệt (có thể dùng nhiệt này sưởi ấm cho gà con rất tốt).

Bên trong lò đặt 4 thùng phi có thể tích 0,8 m3, mỗi mỗi thùng có nắp đậy kín, dưới đáy thùng có lỗ thông nhiệt khoảng 12 cm. Khi bỏ nguyên liệu rác thực vật ép đầy 4 thùng đậy nắp kín, đổ trấu vào trong lò rồi đậy nắp, đốt cháy trong 24 giờ sẽ thu được phân khoáng sau khi đốt.

Về lợi ích kinh tế, theo ông, đầu tư 1 lò xử lý rác thực vật ra phân khoáng tất cả chi phi đầu tư khoảng 3 triệu đồng, nhưng được sử dụng lâu dài nhiều năm. Bình quân 3 tháng/vụ mùa, đốt lò 30 lần sẽ cho ra sản phẩm 4.200 kg, đủ bón cho 1 ha trồng màu. Như vậy nếu bà con sử dụng phân khoáng này sẽ giảm sử dụng phân vô cơ 40% trở lên, giảm thuốc BVTV, tăng năng suất cây trồng 30%.

 

"Gia đình tôi đã dùng sản phẩm phân khoáng này bón thử nghiệm cho một số cây trồng các loại như ớt, cà chua, dưa, thanh long, đu đủ... cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất vượt trội, trái có màu sáng đẹp", ông Lía cho biết.

 

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...