Nông dân không còn mặn mà với cây mía

Ông Phan Văn Luận thu hoạch mía tại rẫy.

Vùng mía nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng đang vào vụ thu hoạch niên vụ mía 2013-2014, thế nhưng giá mía xuống thấp, người trồng mía không có lời. Cả năm trời chăm bẵm cho cây mía, giá mía thấp hơn niên vụ mía năm trước, khiến nông dân trồng mía rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Giá mía rơi tự do

Vùng mía nguyên liệu của tỉnh Cà Mau tập trung phần lớn tại huyện Thới Bình, mà chủ lực là các xã Trí Lực, Trí Phải và Biển Bạch Đông. Vụ mía 2013- 2014, nông dân huyện Thới Bình xuống giống trên 1.800ha, tăng gần 100ha so với vụ trước. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, dù đang vào cao điểm thu hoạch mía nhưng chỉ khoảng 1/3 diện tích trồng mía của huyện được thu hoạch do giá mía xuống thấp, nông dân trồng mía còn "neo" chờ giá. Tại xã Trí Lực, nơi có diện tích mía lớn nhất huyện Thới Bình với gần 1.000ha, thương lái thu mua mía tại rẫy chỉ ở mức 620-750 đồng/kg. Với giá này, sau khi thu hoạch hết 3ha mía (khoảng 300 tấn), gia đình ông Nguyễn Văn Ca (ấp 9, xã Trí Lực) gần như chẳng có đồng lời nào. Ông Ca cho biết: "Giá mía kiểu này chắc mùa tới tôi nghỉ trồng luôn. Cả năm trời gồng mình chăm sóc, tiền phân bón, thuốc BVTV… tăng, vậy mà còn bị thương lái ép giá". Dự đoán được tình cảnh hẩm hiu của cây mía nên ông Lê Văn Phước (ấp 8, xã Trí Lực) đã giảm diện tích trồng mía của mình từ 2ha xuống còn khoảng 0,6ha vụ này. Vậy mà ông Phước cũng không tránh khỏi điệp khúc "trúng mùa rớt giá". "Gắn bó với cây mía hơn 10 năm qua, nhưng ngần ấy thời gian chỉ có vài ba vụ mía là giá cả ổn định. Lận đận với cây mía hoài, nên kỳ này chắc tôi không trồng mía nữa"- ông Phước than vãn.

Lão nông Phan Văn Luận cùng ấp 8, xã Trí Lực cũng cùng tình cảnh với ông Phước, ông Ca. Gần 20 năm gắn bó với cây mía, vụ này ông Luận cho biết: "Năm 2012 giá mía còn 800 đồng/kg, mỗi công sau thu hoạch sau khi trừ hết chi phí, tôi lời vỏn vẹn 2 triệu đồng. Qua vụ mới, cái gì cũng tăng chỉ riêng giá mía thì… sụt xuống. Bán 1kg mía chưa mua được ly trà đá. Kiểu này nông dân tụi tôi lỗ vốn là cái chắc". Vụ mía 2013-2014, Nhà máy đường Cà Mau thu mua mía nguyên liệu tại xí nghiệp ở mức 850 đồng/kg (mía đạt 10 chữ đường), giảm 70 đồng/kg so với vụ trước; còn mía dưới 7 chữ đường giá chỉ 600 đồng/kg. Đó là giá sàn tại nhà máy, còn khi thương lái đến thu mua tại rẫy của nông dân chỉ từ 620-750 đồng/kg. So với niên vụ 2012-2013, mỗi tấn mía, người trồng giảm thu nhập khoảng 200.000-400.000 đồng do giá mía xuống thấp. Lẽ đó, những rẫy mía ở vùng Thới Bình dù vào vụ đông ken nhưng người trồng mía không mặn mà thu hoạch. Hộ nào thu hoạch rồi cũng buồn so, chỉ có thương lái là hồ hởi, bởi giá mía có trồi sụt cỡ nào thì họ vẫn có lời!…

Đó là chuyện của vùng mía nguyên liệu tỉnh Cà Mau, còn tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nông dân trồng múa đang lao đao vì giá mía xuống thấp hơn cả niên vụ trước. Mấy ngày qua, cùng với triều cường tháng 10 âm lịch dâng cao, đe dọa ruộng mía của người trồng mía xứ cù lao. Hiện, giá mía thương lái thu mua tận ruộng chỉ từ 600-650 đồng/kg. Đây là giá thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, thấp hơn cả niên vụ mía năm trước từ 70-100 đồng/kg. Theo đánh giá của người trồng mía, với giá mía như thế này, trung bình mỗi công, người trồng mía lỗ từ 2-3 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện Cù Lao Dung mới thu hoạch hơn 100 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Đại Ân 1, An Thạnh Nhì. Diện tích trồng mía tại xã An Thạnh Nhì khoảng 1.300ha/năm, đến nay nhiều ruộng mía, dù còn non nhưng người dân đã thu hoạch sớm để kết thúc vụ, chuyển đổi diện tích sang nuôi tôm, vừa tránh bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của triều cường.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vệ, Chủ tịch xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, cho biết: "Năm nay, ngay từ đầu vụ bà con xuống giống đạt kết quả rất cao, nhưng đến thời điểm ký kết với nhà máy hợp đồng thì giá lại thấp hơn năm rồi. Do đó, sản lượng mía năm nay giảm hơn năm trước. Với giá mía hiện nay, lợi nhuận bà con giảm từ 20-30 triệu đồng/ha. Năm nay, giá nhà máy ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân là 830 đồng/kg, giảm hơn 70 đồng/kg so với năm rồi. Với giá mía này, diện tích mía của năm 2014 sẽ giảm, vì một số bà con sẽ chuyển sang trồng cây trồng khác". Theo như nhiều hộ dân đang thu hoạch mía, phải hoạch sớm vì tình hình mía năm nay không khả quan, nếu đợi thêm vài tháng nữa cho đạt chữ đường thì giá mía cũng chưa chắc nhích lên.

Lo ngại mùa vụ mới

Trong tình cảnh giá mía theo chiều hướng giảm dần, nhà nông nhiều nơi tại huyện Thới Bình đang manh nha ý định bỏ cây mía để tìm phương án sản xuất mới. Tại xã Trí Lực, nhà nông đã thu hoạch sớm gần 50ha mía ở các ấp 8, ấp 4 và ấp Phủ Thờ để chuẩn bị đưa nước mặn vào nuôi tôm vì giá tôm nguyên liệu đang ở đỉnh cao. Lão nông Phan Văn Luận, ngụ ấp 8 xã Trí Lực có khoảng 2ha đất trồng mía, nhưng đã hai lần phá mía để nuôi tôm. Ông Luận cho biết, năm 2011-2012, giá mía ổn định ở mức 900 – 1.100đồng/kg nên ông đặt hy vọng vào cây mía và mua giống mía ROC 16 từ Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam chuyển giao để có năng suất cao. Đến vụ mía 2012-2013, giá mía xuống thấp nên ông Luận chỉ lời 2 triệu đồng/ha và ông tiếp tục hy vọng vào vụ mía 2013- 2014 này, nhưng những cố gắng của ông đều vô vọng. "Là nông dân, trồng cây chặt quanh năm mà không sinh lãi thì tiền đâu tái sản xuất, bám mía hoài chắc cả nhà đói quá" – ông Luận nói giọng buồn hiu.

Huyện Cù Lao Dung là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, trung bình mỗi năm khoảng 8.000-10.000 ha. Năm nay, diện tích trồng mía đạt trên 8.200 ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, trong niên vụ mía 2013-2014, các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh ký kết tiêu thụ mía nguyên liệu cho bà con đạt trên 86% diện tích mía với gần 7.300 ha. Theo lịch thời vụ, phải đến Tết, người trồng mía Cù Lao Dung mới bước vào thu hoạch mía rộ, chất lượng chữ đường mới đạt chuẩn. Tuy nhiên, dù mía chỉ mới đạt 6-8 chữ đường, nhưng người dân đã thu hoạch mía. Giá mía giảm, lợi nhuận không được đảm bảo, người dân xứ cù lao đã không còn mặn mà với việc trồng mía nên ngày càng có nhiều hộ phá bỏ đất trồng mía chuyển sang nuôi tôm thẻ, dự kiến sẽ còn tăng nhanh sau niên vụ mía này.

Trước tình cảnh giá mía thấp, nông dân Thới Bình có nhiều toan tính. Người muốn bán tháo để tiếp tục cho vụ tiếp theo hoặc chuyển đổi sang nuôi tôm sú hoặc trồng loại cây khác, phần còn lại chờ giá mía tăng mới thu hoạch. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, khuyến cáo: "Một số hộ dân đốn mía chuyển sang nuôi tôm chỉ mang tính bộc phát nhất thời vì giá mía xuống thấp quá. Song, nếu chuyển qua nuôi tôm thì phải tốn chi phí khá lớn để bang đất, bà con nên tính toán thật kỹ, đừng nóng vội". Chia sẻ tình cảnh khó khăn với nhà nông địa phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, ông Lê Bình Nguyên, cho biết: "Bà con trồng mía nên giữ diện tích mía bằng cách sử dụng giống, quy trình canh tác mới vào sản xuất để tăng năng xuất mía và chữ đường để bán được giá cao hơn. Cùng với đó, bà con nên kết hợp xen canh nuôi cá dưới mương, tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, có thêm thu nhập ngoài cây mía. Phải thật sự năng động, nhạy bén trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều áp lực như hiện nay thì nông dân mới có thể đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống"…

Thời gian trồng mía cả năm mới cho thu hoạch. Với giá vật tư đầu vào và tiền nhân công cao như hiện nay, người trồng mía cho biết giá mía nguyên liệu phải từ 900 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lãi. Song, giá cả đầu ra không do người trực tiếp sản xuất định đoạt mà phụ thuộc phần lớn vào thương lái và nhà máy. Nếu không có giải pháp căn cơ, liên kết "4 nhà" chặt chẽ nhằm tạo đầu ra ổn định cho cây mía, khả năng diện tích loại cây trồng này sẽ bị thu hẹp dần và lâu dài mất luôn diện tích vùng mía nguyên liệu như một thời nông dân Cà Mau ồ ạt đưa nước mặn vô nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa.

 

Theo Báo Cần Thơ Online

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...