Nuôi ngựa khai thác huyết thanh

Ảnh minh họa

Ngựa nuôi không chỉ lấy sức kéo, làm ngựa đua, ngựa cảnh, nấu cao… mà còn để khai thác huyết thanh chế ra rất nhiều thuốc điều trị bệnh vô sinh, kháng bệnh dại, chống uốn ván... Các chế phẩm này được SX ở nước ta có giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với hàng ngoại là nhờ có đàn ngựa nuôi lớn.

Chúng tôi đến Trại ngựa Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi), gặp đúng lúc cán bộ và công nhân tại đây đang hút máu ngựa. Con ngựa được cột vào một gốc cây, chiếc ống kim to đùng cắm vào tĩnh mạch trên tai ngựa, dòng máu chảy theo ống xi phông tuôn xuống chiếc chậu dưới đất. Khi máu đã đầy chậu, để một lúc cho đông lại, trên mặt nổi lên lớp trong suốt không màu.

Ông Vũ Đình Ngoan, Trại trưởng Trại ngựa Bá Vân cho biết, đang khai thác huyết thanh ngựa chửa bán theo đặt hàng của Viện Quân y 103, để chế thuốc điều trị bệnh vô sinh cho người. Mỗi lít huyết thanh được trả 10 triệu đồng. Những con ngựa này được nuôi theo quy trình riêng, quản lý rất chặt chẽ. Khi ngựa cái có chửa trên 40 ngày, thì cứ 15 ngày lấy huyết thanh một lần, mỗi lần hút ra 3 - 9 lít máu (tùy sức khỏe của ngựa), cho 1 - 3 lít huyết thanh.

Từ nhiều năm nay, chế phẩm kích dục tố từ huyết thanh ngựa chửa đã được các nhà khoa học nghiên cứu thành công. Thành phần chính của kích dục tố là FSH và LH, 2 hoocmon có tác dụng kích thích động dục và gây rụng trứng, tăng khả năng sinh sản của gia súc cái, được chiết xuất từ huyết thanh của máu ngựa cái có chửa, từ ngày thứ 40 đến ngày thứ 120, đỉnh cao là khoảng thời gian từ 60 đến 90 ngày có chửa.

Chế phẩm này đều dựa vào nguồn huyết  thanh khai thác từ Trại ngựa Bá Vân, với quy mô đàn ngựa cái đưa vào khai thác huyết thanh khoảng gần 50 con. Huyết thanh ngựa chửa (HTNC) đã được ứng dụng rộng rãi điều trị bệnh vô sinh cho người và vật nuôi.

Khảo nghiệm trên gia súc ở Việt Nam cho thấy, huyết thanh ngựa chửa cho kết quả rõ nét nhất ở lợn và bò. Tiêm HTNC cho lợn nái cai sữa, lợn nái nuôi con, tỉ lệ động dục đạt 80 - 90%.  Khi tiêm cho bò, tỷ lệ động dục trên đàn bò cái đạt 80%, tỷ lệ đậu thai đạt 90 - 98%.

TS Nguyễn Hữu Trà, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi cho biết, ngựa nuôi tại trung tâm còn để lấy kháng huyết thanh chống bệnh dại, huyết thanh chống uốn ván. Ngựa nuôi được tiêm virus dại hoặc trực khuẩn uốn ván, trong máu ngựa sẽ hình thành kháng thể chống lại các bệnh này.

Kháng huyết thanh có vai trò tương tự vacxin, nghĩa là tạo sự miễn dịch để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Nếu như vacxin cần một thời gian khá dài để giúp cơ thể thiết lập "hàng rào bảo vệ" thì kháng huyết thanh lại làm được điều đó rất nhanh, cứu sống bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Những hạn chế do tiêm vacxin không kịp thời đã được khắc phục khi dùng kháng huyết thanh.

Kháng huyết thanh từ ngựa đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam SX với quy trình miễn dịch và tinh chế cải tiến đã an toàn hơn so với trước. Từ năm 2003 đến nay, kháng huyết thanh dại SX trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu với giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với hàng ngoại.

Với mỗi con ngựa, trung bình một tháng huyết thanh được khai thác ít nhất 1 lần với tổng số máu bằng 1,5% trọng lượng cả con và cứ 1 lít máu ngựa cho được 75 ml kháng huyết thanh dại (SAR). Một đời ngựa có thể được khai thác trung bình trong 6 năm.

Cùng với khai thác huyết thanh, từ lâu ngựa đã được dân ta dùng để nấu cao, là vị thuốc rất quý. Cao xương ngựa bạch giàu canxi phosphat, keratin, oscein có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương cơ, chữa suy nhược ở người ốm dậy, người già, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, sản phụ, trẻ em còi xương, biếng ăn...

Những người lao động nặng nhọc bị bệnh viêm tá tràng kinh niên, ăn uống kém, dễ bị đi lỏng, đi kiết… dùng cao ngựa bạch sẽ nhanh khỏi bệnh, béo khỏe. 

Lai tạo nhiều giống ngựa quý

Trại ngựa Bá Vân hiện là nơi lưu giữ khoảng 150 con ngựa giống gốc cấp quốc gia và chăn nuôi hàng trăm con ngựa giống. Đưa chúng tôi tham quan trại, ông Ngoan dắt ra một con ngựa to lớn, chiều cao vai tới 1,6 m (nếu tính từ trán xuống phải 2,4 m), chiều dài thân 1,7 m, ước lượng 500 kg, khoe: “Đây là giống Cabardin thuần chủng. Ngựa chiến thời xưa ở Trung Quốc, trong đó có ngựa Xích Thố mà Quan Vũ cưỡi cũng thuộc giống này đây”.

Năm 1964, Chính phủ cho nhập 8 ngựa Cabardin (5 đực và 3 cái) từ Liên Xô về nuôi thích nghi tại Bá Vân. Đến năm 2000, Bộ NN-PTNT cho nhập 3 ngựa Cabardin (1 đực và 2 cái) từ Hắc Long Giang - Trung Quốc về nữa. Từ nguồn gen quý đó, Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo giống ngựa địa phương với giống ngựa Cabardin phục vụ dân sinh và quốc phòng”.

Kết quả tạo được dòng ngựa lai 25% máu Cabardin và 75% máu ngựa bản địa, thích nghi nhất trong việc thồ hàng, kéo xe ở nước ta. Dòng ngựa lai này có chiều cao vây 123 – 128 cm, dài thân 123 – 125 cm, khối lượng 238 – 246 kg, sức kéo hàng 900 – 1.000 kg, thồ hàng 70 – 80 kg. Kết cấu ngoại hình gọn ghẽ, phù hợp với điều kiện làm việc ở vùng rừng núi, thích ứng rất tốt với điều kiện nuôi dưỡng, quản lý và sinh thái ở nước ta.

“Ngựa Cabardin to khỏe hơn, nhưng ngựa bản địa lại khéo léo hơn, bởi vậy ngựa lai phù hợp để kéo xe vận chuyển gạch, cát, xi măng. Với đồng bào dân tộc Mông ở núi cao cần ngựa làm phương tiện đi lại hoặc thồ nông sản thu hoạch từ nương về nhà, thì họ mua ngựa đực này về để phối giống với ngựa bản địa tạo ra con lai chỉ còn 12,5% máu Cabardin.

Miền núi không bao giờ bỏ được ngựa, vì nhiều chỗ địa hình rất hiểm trở, không thể làm đường cho xe máy lên được. Những năm qua, xe máy đã được đồng bào miền núi mua sắm nhiều, nhưng thống kê cho thấy đàn ngựa không giảm”, TS Ngoan chia sẻ.

Đến nay đã có 20.000 con ngựa lai 25% máu Cabardin đang được người dân đưa vào phục vụ SX và đời sống.

Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi cũng đang nghiên cứu, thuần hóa và lai tạo nhiều loại giống ngựa quý với mục đích đa dạng: ngựa đua, ngựa cảnh. Đặc biệt, giống ngựa mini khi trưởng thành chỉ cao 0,8 m, nặng 30-40 kg, tức là chỉ bằng con chó béc giê đang rất có triển vọng thị trường, đáp ứng nhu cầu của những người thích nuôi ngựa để làm cảnh.

 

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...