Đắk Lắk: Nuôi voi khoái hơn làm giám đốc

Đàng Năng Long chuẩn bị tâm lý cho voi để mổ 2 khối u ở chân sau con voi

Ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk người ta hay gọi anh Đàng Năng Long là “đại gia voi” hay “Long voi”, bởi không chỉ là người sở hữu 8 con voi mà anh còn được phong là “thầy thuốc voi”, “nhà tâm lý voi”…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi, buôn bán voi xuyên quốc gia, Đàng Năng Long (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) từng làm nhiều nghề kiếm sống nhưng tiếng gầm hú của voi vẫn luôn vang vọng trong tâm trí anh, để rồi giờ đây, anh là người sở hữu nhiều voi nhất Việt Nam.

Giữ lại chút vàng son!

Một lần đi làm về, thấy mấy con voi xích trước nhà gầy gò nhưng vẫn phải nai lưng chở khách, anh Long ứa nước mắt vì thương chúng. Thế rồi sau một đêm không ngủ, anh quyết định làm đơn xin từ chức Giám đốc Trung tâm du lịch Hồ Lắk (thuộc Công ty CP Du lịch Đắk Lắk) để về nuôi voi. Trong 11 người con của ông Đàng Nhảy, người nuôi, buôn bán voi xuyên quốc gia, chỉ có anh Long kế thừa nghề nuôi từ cha. Đàng Năng Long sinh trưởng bên hồ Lắk, lớn lên, anh loay hoay đủ nghề nhưng rồi cái duyên với voi khiến anh từ bỏ chức vị để về nuôi voi. Vậy nhưng nuôi voi cũng lắm gian nan, voi thường xuyên đau ốm, bệnh tật, thức ăn khan hiếm mà du khách cưỡi voi cũng không nhiều. Nên anh quan niệm, nuôi voi bây giờ chỉ mong giữ lại chút vàng son một thời.

Anh Long tâm sự: Rừng bị tàn phá, thức ăn, cây thuốc cho voi ngày càng khan hiếm nên muốn voi khỏe mạnh phải đầu tư rất nhiều tiền của. Đúng ra, mỗi ngày 1 con voi mất 500.000 đồng chi phí thức ăn các loại như chuối, cỏ, mía và một số thức ăn phụ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, hiện trung bình mỗi ngày voi chở khách du lịch chỉ được trả khoảng 200.000 đồng/con nên chỉ dám cho ăn chế độ 200.000 đồng.

Vì vậy, trước đây, voi thường bị trầy xước, sưng tấy ở chân hoặc vai do tác động từ việc kéo gỗ, chuyên chở nặng. Còn bây giờ, đàn voi của anh hay mắc nhiều chứng bệnh, thường gặp nhất là u bướu mọc khắp cơ thể. Theo anh Long, nguyên nhân là do nguồn nước ô nhiễm, thiếu thức ăn nên voi bị thiếu chất dẫn đến việc không có sức đề kháng với bệnh tật. Trước kia, nếu bị sưng khớp thì thả voi vào rừng tự tìm cây thuốc ăn chữa bệnh. Nhưng nay rừng bị tàn phá, cây thuốc có khả năng chữa bệnh cạn kiệt nên anh phải điều trị voi tại nhà.

Tự tìm kẻ chặt đuôi voi

Kể từ ngày tiếp quản đàn voi, “voi tặc” đã tấn công đàn voi của anh Đàng Năng Long 4 lần, 1 con chết và 3 con bị chặt đuôi nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được hung thủ. Sau khi con voi H’Túc bị chém, chặt đuôi một cách dã man, anh Long quyết định tự mình tìm thủ phạm. Anh Long đã tổ chức 1 cuộc họp gia đình và quyết định giả làm Việt kiều, thuê ô tô và một cô gái xinh đẹp “cặp bồ” để thực hiện kế hoạch.

Đàng Năng Long kể: “Tôi và “bồ” đi đến tất cả các tiệm vàng, các nhà hàng, khách sạn, các quán karaoke để nghe ngóng, dò hỏi thông tin về những kẻ giết voi. Vậy nhưng cả tháng trời tôi không tìm ra manh mối. Trong lúc chán nản, tính bỏ cuộc, tôi chợt đoán, bọn này bán đuôi voi kiếm được nhiều tiền nên chúng sẽ sa đà vào ăn chơi, rượu chè, gái gú. Thế là tôi tìm gặp một số người bán dâm và hứa nếu nghe ngóng được bất kỳ chuyện gì về việc mua bán các thứ liên quan đến voi thì thông báo cho tôi biết. Đổi lại, nếu thông tin chính xác tôi sẽ trả ít nhất 2 triệu đồng trở lên và cam đoan sẽ đảm bảo bí mật về người cung cấp tin.

Quả nhiên, sau đó ít ngày có 2 cô gái bán dâm đến gặp anh Long báo có một bọn giết voi, chặt đuôi voi đang hể hả ăn chơi. Anh Long đi thám thính, thì đúng là nó dùng búa, kích điện khống chế con voi để chặt đuôi. Sau khi nắm đủ bằng chứng, anh Long đi báo công an. Sau ít phút ngần ngại, lực lượng công an đã ập tới bắt các đối tượng gồm: Phạm Văn Huy, Đàm Văn Nội, Lê Viết Dũng và Y Bia Hwing về hành vi trộm cắp tài sản. Vụ xét xử cũng đã xảy ra nhiều tranh cãi xung quanh số lượng và giá trị của cái đuôi voi nhưng cuối cùng HĐXX đã tuyên phạt Đàm Văn Nội 1 năm 6 tháng tù, Y Bia H’Wing 1 năm 3 tháng tù, Lê Viết Dũng và Phạm Văn Huy mỗi bị cáo 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Làm bác sĩ cho voi 

Thông thường, anh Long dùng vỏ cây lộc vừng và lá cây trâm nấu với muối hạt lấy nước để rửa vết thương cho voi. Sau khi rửa xong, dùng đất đào từ tổ mối hoặc men bả nấu rượu đắp lên. Trong một số trường hợp vết thương lớn, sưng nhiều mủ thì anh phải mổ rồi mới đắp thuốc. Kinh nghiệm dân gian cộng với việc tìm hiểu trên cơ sở khoa học hiện đại đã giúp anh Long chữa khỏi bệnh cho rất nhiều con voi nhà ở Đắk Lắk. “Sau khi mổ, vết thương của voi thường bị hở do da voi dày không thể may lại, gặp trường hợp này, tôi thường kết hợp các bài thuốc dân gian và thuốc tây để vết thương nhanh lành”, anh Long nói.

 

Theo NLDO


 

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...