Thu tiền tỉ mỗi năm từ lạp xưởng cá lóc, cua

Sản phẩm lạp xưởng cá lóc được phơi trong nhà kính.

Chị Dương Thị Hồng Chuyên (37 tuổi, ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đã làm ra sản phẩm khô, lạp xưởng cá lóc và lạp xưởng cua, kiếm doanh thu mỗi năm hơn 3 tỉ đồng.

Chị Chuyên tốt nghiệp chuyên ngành quản lý kinh tế. Sau đó, chị trở về quê và công tác tại hội nông dân. Năm 2017, nhận thấy sản vật là những loại cá đồng ở địa phương vào mỗi mùa nước nổi vô cùng dồi dào. Đặc biệt, ở Đồng Tháp lại có rất nhiều mô hình nuôi cá lóc nên chị quyết tâm khởi nghiệp từ nghề làm khô.

“Là huyện đầu nguồn của tỉnh, có đường biên giới giáp với Campuchia, mùa nước nổi hằng năm địa phương đón nhận nguồn thủy sản dồi dào từ sông Mekong. Nhưng nguồn tài nguyên bản địa chưa được phát triển một cách đa dạng. Trước giờ người dân làm khô chỉ làm nhỏ lẻ, ít ai tiên phong phát triển nguồn lợi địa phương, chú trọng việc thương mại, đa dạng sản phẩm. Từ đó, tôi quyết tâm khởi nghiệp làm ra các món ăn từ cá lóc”, chị Chuyên nói.

Nghĩ là làm, cơ sở chế biến khô của chị Chuyên ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, thị trường khô ngày càng cạnh tranh khốc liệt, bản thân chị cũng mong muốn làm thêm một sản phẩm khác biệt nhằm đa dạng sản phẩm bán ra thị trường.

Sau thời gian tìm hiểu thị trường, chị Chuyên nhận thấy lạp xưởng là một trong những món ăn rất được ưa chuộng, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Trên thị trường, các loại lạp xưởng truyền thống từ thịt heo, thịt bò… đã quá phổ biến. Từ đó chị mày mò làm thêm sản phẩm mới là lạp xưởng cá lóc từ năm 2021.

“Mỗi ao nuôi cá lóc thường không đồng đều về kích cỡ, bởi thế cá lớn thì làm khô, phi lê, cá nhỏ nữa thì làm khô cá lóc cửng. Riêng những con cá chậm lớn, khi bán giá thành rất rẻ nên tôi nghĩ ra cách tận dụng các loại cá này để làm chả. Nhưng không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại có trên thị trường. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng sử dụng loại chả cá lóc làm nguyên liệu để làm lạp xưởng”, chị Chuyên kể.

Thời điểm đầu, chị Chuyên gặp nhiều khó khăn bởi chưa tìm ra công thức chuẩn, bỏ không biết bao nhiêu mẻ, tốn nhiều công sức, tiền bạc. Gần 1 năm, chị mới tìm ra công thức hoàn thiện nhất để làm lạp xưởng cá lóc.

“Thông thường người tiêu dùng mặc định lạp xưởng được làm chủ yếu bằng thịt heo, thịt gà. Còn tôi làm từ cá, người tiêu dùng có tâm lý e dè, bởi sợ cá sẽ tanh, cho nên khi mình tiếp cận với họ thì gặp nhiều cái khó. Bởi thế, khi làm ra được sản phẩm, tôi giới thiệu đến khách bằng cách tặng kèm theo mỗi ký khô là bịch lạp xưởng cá lóc 100gr. Dần dần sản phẩm được biết đến và yêu thích”, chị Chuyên nói.

Để làm lạp xưởng cá lóc trải qua nhiều công đoạn: cá đem đi phi lê, để ráo rồi đem xay, đánh thành chả, ướp nguyên liệu, đùm vô ruột làm lạp xưởng, đem phơi... Sản phẩm làm ra có độ dai, giòn, mềm tự nhiên.

Sau khi phát triển thành công sản phẩm lạp xưởng cá lóc, chị Chuyên tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm lạp xưởng cua đồng. Với sản phẩm này chị sử dụng nguyên liệu chả cá lóc kết hợp cùng thịt cua xay để làm lạp xưởng.

“Nguồn nguyên liệu chính cũng từ chả cá lóc do mình làm ra, rồi ướp thêm thành phần cua vào. Lạp xưởng cua vừa ngon vừa bổ sung lượng canxi cho bà bầu, người lớn tuổi, trẻ em nên rất được ưa thích”, chị Chuyên cho hay.

Hiện với những sản phẩm lạp xưởng từ cá lóc, cua đã góp phần đa dạng các món ăn gia đình. Mỗi tháng chị Chuyên xuất bán hơn 1,5-1,7 tấn lạp xưởng cá lóc, cùng hơn 1,5 tấn lạp xưởng cua, 700-800kg khô cá lóc. Riêng các ngày lễ, Tết số lượng bán ra tăng gấp 2-3 lần. Các sản phẩm từ khô cá lóc, lạp xưởng cá lóc và lạp xưởng cua đều đồng giá 240.000 đồng/kg.

Sản phẩm được tiêu thụ thông qua đại lý và  nhà phân phối tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… và đặc biệt đã có mặt trong một số hệ thống siêu thị. Nhờ đó đem lại doanh thu cho chị Chuyên hơn 3 tỉ đồng/năm. Không chỉ tạo ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường, chị Chuyên còn góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.

Sắp tới, chị dự định đầu tư thêm nhiều trang thiết bị để tăng số lượng bán ra thị trường. Hiện chị còn ấp ủ sản xuất loại lạp xưởng nướng ăn liền, nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng là học sinh, người làm văn phòng.

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ

 

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...