Vĩnh Long thúc đẩy ngành chế biến rau quả phát triển

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều lợi thế và tiềm năng về rau quả và phát triển ngành chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu và thương mại trong nước

Tỉnh Vĩnh Long có thế mạnh về sản xuất rau quả (rau màu, cây ăn trái) nhờ diện tích trồng và sản lượng thu hoạch lớn. Xác định ngành chế biến rau quả đóng góp quan trọng làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu, qua đó nâng cao thu nhập của người sản xuất, tỉnh này đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển.

 

Trong những năm gần đây, diện tích trồng rau quả của Vĩnh Long phát triển rất nhanh, năng suất, sản lượng tăng đem lại thu nhập khá cao cho người trồng. Đến cuối tháng 8-2024, toàn tỉnh có 70.209ha cây ăn trái (tăng 1.782ha so cùng kỳ năm trước), trong đó có 58.567ha cho trái, tăng 2.986ha so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch hơn 800.000 tấn; và diện tích màu đạt 34.062ha, tăng 414ha so với cùng kỳ năm trước, đã thu hoạch đạt 28.772ha, sản lượng đạt 578.514 tấn (tăng 8.200 tấn so cùng kỳ năm trước). Rau quả của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, nhất là trái cây có chất lượng và sản lượng khá lớn như khoai lang, cam sành, bưởi, chôm chôm, nhãn, thanh long, sầu riêng, xoài… đã được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, một số ít rau quả chế biến xuất sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu,...

Tuy vậy, khâu chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh hiện nay còn hạn chế như số lượng cơ sở chế biến lớn, hiện đại không có; tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến chỉ đạt 10%; công tác bảo quản kém, tổn thất sau thu hoạch cao trên 20%, tổ chức liên kết chưa chặt chẽ… Còn xuất khẩu rau quả có quy mô nhỏ, chủ yếu được xuất khẩu ủy thác hoặc qua đường tiểu ngạch, thiếu các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình sản xuất và xuất khẩu nông sản; thiếu tính ổn định về sản lượng và giá bán...

Nhằm tạo cơ sở để triển khai các giải pháp thúc đẩy ngành chế biến rau quả của tỉnh phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh lên 30 triệu USD vào năm 2030 (gấp đôi so với năm 2020); trong đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên... Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, tỉnh đã đạt được một số kết quả về xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào ngành chế biến rau quả và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu và thương mại trong nước.

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cũng đã xây dựng 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến sầu riêng tại Công ty TNHH Sáu Ri (huyện Long Hồ) và hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) đầu tư mới máy rửa trái bưởi để phục vụ chế biến các sản phẩm từ trái bưởi.

Riêng các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác và 2 hợp đồng thương mại chính thức: 1 hợp đồng với đại diện Tập đoàn Central Retail với Công ty CP VinaGreen chi nhánh Vĩnh Long để đưa các sản phẩm trái cây đặc sản như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh vào tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ của Central Retail; 1 hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất thương mại thực phẩm T&T tại Bình Dương để mua và xuất khẩu lô hàng đầu tiên vỏ bưởi qua thị trường Hoa Kỳ của Công ty TNHH TM SX Vân Phượng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở chế biến rau quả quy mô vừa, nhỏ và hộ gia đình với tổng công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó có 16 cơ sở tham gia chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ rau quả với các sản phẩm chủ lực như khoai lang, mít, xoài, bưởi, cam sành…

Bên cạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Sở KH&CN tỉnh đã triển khai 3 dự án KH&CN, qua đó hỗ trợ cho 25 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, cải tiến chất lượng hàng hóa nông sản; về sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm rau quả đảm bảo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành để phục vụ xuất khẩu và thương mại trong nước. 

Để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ ngành chế biến rau quả, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt GAP, hữu cơ kết hợp đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa khâu chăm sóc để tạo sản phẩm có chất lượng.

Đồng thời chú trọng xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, khai thác chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất - tiêu thụ; xây dựng thương hiệu và thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch phục vụ nhu cầu xuất khẩu…                

Tuy nhiên, theo ông Lê Thống Nhất, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, để ngành này phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới cần thúc đẩy mạnh mẽ và có hiệu quả các hoạt động như thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thông qua cải cách các cơ chế, chính sách về hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (tổ hợp tác, hợp tác xã…); thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả; cùng với các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, vận chuyển đối với các sản phẩm rau quả thực phẩm và hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô phù hợp với sản lượng và tính đặc thù cho các loại rau quả chủ lực.

Song song đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chế biến và bảo quản rau quả; phát triển cơ sở chế biến sâu, chế biến tinh đối với từng sản phẩm rau quả đáp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến rau quả để giảm chi phí lưu thông hàng hóa.

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...