Đổ xô trồng mít Thái

Ảnh minh họa

Gần đây trên thị trường xuất hiện trào lưu “người người ăn mít Thái”, còn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì “nhà nhà trồng mít Thái”. Ông Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, bày tỏ lo ngại: “Người VN có lẽ đã quên mất rằng mít nghệ VN của mình ngon hơn mít Thái nhiều”.

 

Xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) được nhà vườn ĐBSCL xem là “vương quốc” mít Thái vì hiện nông dân xã này trồng mít Thái tới 140ha. Các xã lân cận hiện cũng đang gia tăng diện tích trồng mít Thái với tốc độ chóng mặt.

Mít Thái “lên ngôi”

Chúng tôi đến cơ sở nhân giống mít Thái lớn nhất huyện Cai Lậy - mít giống Ba Lập ở xã Cẩm Sơn - khi có một số người đang lựa cây mít giống về trồng. Ông Đỗ Tấn Tài ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy cùng mấy anh em trong gia đình tìm đến đây mua cây giống. Ông Tài kể: “Hôm nay mua được 300 gốc. Ngày mai trở lại lựa thêm 100 gốc nữa mới đủ trồng. Hiện tui trồng xen mít với sầu riêng, vú sữa. Khi cây mít lớn thì đốn bỏ sầu riêng và vú sữa chỉ để toàn mít Thái”.

Vì có quá nhiều người tìm mua cây giống nên hiện cơ sở Ba Lập không còn nhiều cây giống để bán. Sợ hôm sau quay lại không còn nên mấy anh em ông Tài gom hết cây lớn, cây nhỏ vô túi nilông chở về. “Lựa chọn gì nữa chứ. Trồng từ từ rồi cũng lớn như nhau thôi. Miễn là có trái bán lấy tiền là được” - ông Tài cười tươi.

Vừa tiễn khách xong, ông Hồ Văn Lập (chủ cơ sở mít giống Ba Lập) liền điện thoại cho người thân để hối thúc chuyển nhanh cây giống ở vườn ươm chuẩn bị giao cho khách vào ngày mai. Ông kể năm 2012 ông cung ứng hơn 20.000 cây mít Thái giống cho nông dân các tỉnh ĐBSCL. Lúc đầu mỗi cây giống có giá 12.000 đồng, nhưng gần đây có rất nhiều cơ sở nhân giống mít Thái nên giá giảm, hiện còn 10.000 đồng/cây. Hỏi vì sao người dân đổ xô trồng mít Thái, ông Lập nói: “Giống mít này ít mủ, ít xơ, cơm dẻo nên được thị trường ưa chuộng. Còn với nông dân thì mít Thái trồng sớm cho trái nên mau cho thu nhập”.

Anh Nguyễn Quốc Việt (chủ trại cây giống Quốc Việt nằm trên quốc lộ 1 thuộc xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy) là người đoạt nhiều giải thưởng trái ngon với giống mít nghệ thuần Việt. Anh cũng nhân giống mít nghệ đặc sản này để bán nhưng ít người mua. Đa số nông dân tìm đến trại cây giống của anh đều hỏi tìm giống mít Thái. “Năm rồi tôi bán chỉ có 5.000 cây mít nghệ, nhưng số lượng mít Thái là 35.000 cây. Mít Thái không ngon bằng mít nghệ, chỉ được chỗ ít mủ hơn mà thôi. Tôi cố gắng giải thích cho nông dân hiểu giá trị của mít nghệ, nhưng ít người chịu nghe vì cho rằng giá mít nghệ thấp hơn mít Thái. Thị trường đang chuộng mít Thái thì phải trồng mít này thôi” - anh Việt nói.

Không bằng mít thuần Việt

Thạc sĩ Đào Thị Bé Bảy (chuyên gia về giống cây trồng Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết hiện nay có khoảng 6-7 dòng mít Thái khác nhau đang lưu hành trong dân. Nơi gọi là mít Thái, nơi gọi mít siêu sớm hoặc mít cao sản... Tuy nhiên trong số này chỉ duy nhất một dòng có chất lượng ngon. Dòng mít Thái ngon nhất được Viện Cây ăn quả miền Nam đem từ Thái Lan về nghiên cứu để bảo tồn giống.

Dù là dòng mít Thái ngon nhất nhưng kết quả nghiên cứu của viện cho thấy hầu hết các chỉ tiêu đều không bằng mít nghệ thuần Việt.

Về mặt cảm quan, mít Thái thuôn ngắn, còn mít nghệ thuôn dài; màu sắc trái mít Thái vàng tươi, mít nghệ màu xanh vàng; thịt quả mít Thái và mít nghệ cùng có vàng đậm. “Đánh giá chung chất lượng thì giống mít nghệ VN ngon hơn, vị ngọt thanh, còn mít Thái ngọt nhạt” - thạc sĩ Bé Bảy nói.

Giải thích lý do nông dân thích trồng mít Thái, thạc sĩ Bé Bảy cho rằng có lẽ do từ lúc trồng đến khi cho trái của mít Thái chỉ hơn 12 tháng, chậm nhất 18 tháng là có trái bán. Còn mít nghệ chậm cho trái hơn khoảng 6-10 tháng. Mặc dù thị trường đang ưa chuộng mít Thái, nhưng Viện Cây ăn quả miền Nam quyết định không nhân giống mít này để cung cấp cho nông dân như các loại cây trồng khác vì... đây không phải là giống cây trồng ưu việt so với giống trong nước.

Coi chừng phải đốn bỏ

Ông Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cảnh báo: “Việc đổ xô trồng mít Thái có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác như nhãn, khoai lang tím Nhật... rồi phải đốn bỏ. Ngoài ra, mít Thái không thể sấy bán mít khô được do cơm mỏng, độ ngọt cao nên khi xảy ra dội chợ thì không thể bán cho doanh nghiệp chế biến vì họ chỉ thu mua mít dừa VN để sấy khô, đóng gói. Nông dân phải cân nhắc kỹ khi quyết định đốn bỏ cây ăn trái khác để trồng mít Thái”.

* Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), nói các cơ quan chức năng cũng rất lo lắng khi thấy nông dân đổ xô trồng mít Thái. Ngoài việc sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu thì nguy cơ đốn bỏ hoặc mất mùa do sâu bệnh đang ở trước mắt. “Trước đây mít dễ trồng, ít sâu bệnh, còn bây giờ mít Thái có ít nhất bốn loại sâu và nấm bệnh hoành hành quanh năm là: sâu đục thân, sâu đục cành, sâu đục trái và nấm gây thối trái. Mà nông dân muốn gì là làm nấy chứ ít nghe lời khuyên của ngành nông nghiệp nên chúng tôi cũng khổ” - ông Chiến nói.

 

 

Báo Tuổi Trẻ Online

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...