Tìm giải pháp phát triển bền vững sản xuất giống cá tra

Nâng cao chất lượng cá tra giống, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động nuôi cá tra trên địa bàn TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, cá tra đã trở thành một trong số ít các đối tượng xuất khẩu chiến lược. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức cho sự phát triển của ngành trong tương lai bao gồm nhu cầu về số lượng và chất lượng cá tra giống trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rào cản thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp để phát triển sản xuất giống cá tra bền vững hơn…

Thách thức

Theo Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15-9-2024, diện tích cá tra thả nuôi ước đạt 4.241ha, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng cá tra ước đạt 1.241.000 tấn, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2024 đạt 1,5 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Cá tra chủ yếu xuất khẩu sang nhóm các thị trường chính như Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, Brazil tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, Trung Quốc giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023, EU giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2023...

Về sản xuất, cung ứng giống cá tra, tính đến cuối tháng 9-2024, sản lượng giống cá bột ước đạt 23,6 tỉ con; cá giống ước đạt 3,41 tỉ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỉ con; cá giống đạt 4 tỉ con. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương vùng ĐBSCL, hiện số lượng giống cá tra bố mẹ có khoảng trên 240.000 con sẵn sàng tham gia sinh sản. Trong đó, 184.000 con được tuyển chọn từ cá nuôi thương phẩm, có 40.000 con là đàn cá tra chất lượng cao do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chuyển giao từ nguồn chương trình giống 2016-2020 đã sinh sản và 20.000 con tham gia sinh sản lần đầu…

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất cá tra giống đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ biến động của thị trường xuất khẩu và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng Phòng giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng cao dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra những yếu tố bất lợi cho sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi cá tra thương phẩm, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. Bên cạnh đó, rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu ngày một xiết chặt, chẳng hạn như việc hạn chế sử dụng kích dục tố HCG trong sản xuất giống cá tra của EU... Hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống cá tra còn thiếu và yếu. Các dự án phát triển chuỗi sản xuất cung ứng giống cá tra được phê duyệt khá nhiều, tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện chưa có. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có trình độ ngày một hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị không đáp ứng những điều kiện tối thiểu về đảm bảo an toàn sinh học...

Hướng tới sản xuất bền vững

Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ một số giải pháp để hướng tới phát triển sản xuất giống cá tra bền vững hơn.

Tại TP Cần Thơ, hiện nay, năng lực sản xuất cá tra giống của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu cá bột (2 tỉ con/năm) và 90% nhu cầu cá giống (280 triệu cá giống) của thành phố. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: Sở đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ khâu sản xuất giống; xây dựng các chính sách để tập trung phát triển những cơ sở sản xuất giống quy mô lớn, hiện đại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng con giống.  Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong việc quản lý giống, thức ăn, thuốc, vật tư thiết yếu. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ thực hiện các chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030. Sở phối hợp triển khai thực hiện dự án "Xây dựng Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL". Mặt khác, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào các công đoạn của quy trình sản xuất giống; tăng cường công tác quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh, khuyến cáo kịp thời trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Minh Khôi, Giám đốc điều hành Công ty CP cá tra Việt Úc (tỉnh An Giang) chia sẻ: Nhận thức được vai trò quan trọng của thức ăn tự nhiên trong việc cải thiện tỷ lệ sống và chất lượng của cá giống, công ty đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực cho việc sản xuất thức ăn tự nhiên ở quy mô công nghiệp. Hiện tại, công ty đã có thể hoàn toàn chủ động được các quy trình sản xuất cho nhiều đối tượng thức ăn tự nhiên khác nhau (tảo, rotifer, moina …) nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu sản xuất cá tra giống công nghệ cao. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới công nghệ cao. Nhờ đó, cá bố mẹ ít chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và thành thục tốt hơn, giúp cho việc chủ động sản xuất cá bột quanh năm. Các giai đoạn cá hương, cá giống và cá hậu bị của chương trình chọn giống cũng có sự phát triển và tỷ lệ sống tốt nhờ sự che chắn, bảo vệ của các hệ thống nhà màng, nhà lưới công nghệ cao này...

Để góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra; đối với cơ sở không đủ điều kiện, tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và cá nuôi thương phẩm. Mặt khác, tăng cường thực hiện tốt Đề án cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi…

Nguồn "Báo điện tử Cần Thơ”

Bài viết cùng danh mục

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...