Giá nhím lao dốc không phanh

Sơn La là một trong những tỉnh nuôi nhím lớn nhất nhì miền Bắc. Vào lúc đỉnh điểm, 1 đôi nhím giống tại đây giá lên đến 20 triệu đồng. Với lợi nhuận khổng lồ đó, người người, nhà nhà ở Sơn La đổ xô đi nuôi nhím. Tuy nhiên, sang năm 2011, giá nhím bất ngờ lao dốc chỉ còn chưa đầy 3 triệu đồng/đôi khiến nhiều người đầm đìa trong nợ.

ĐÙNG CÁI MẤT TỶ ĐỒNG

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Phùng Văn Chính, tổ 8, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, một người nuôi nhím có tiếng tại đây tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện ông vừa bị mất hơn 1 tỷ đồng tiền nhím. Cách đây không lâu, có người ở Hải Phòng đánh xe con tới trả giá 1,4 tỷ đồng để mua tất cả đàn nhím 100 con nhưng ông Chính lừng khừng không bán. Đùng một cái, chỉ sau đó vài tháng, giá đàn nhím giảm từ 1,4 tỷ xuống chưa đầy 400 triệu đồng khiến gia đình ông Chính tối sầm mặt mũi.

 Nhưng khổ một nỗi, đó là người ta định giá 400 triệu đồng nhưng lâu lắm rồi cũng chẳng có ai đến hỏi mua. May là gia đình ông Chính nuôi nhím đã lâu nên còn thu hồi được vốn, nhiều gia đình tại Sông Mã mới bập vào nghề lúc giá nhím giống cao điểm giờ coi như như sạt nghiệp.

Theo Chi hội trưởng Hội Chăn nuôi nhím huyện Sông Mã, Lành Văn Khoa, nguyên nhân khiến giá nhím tụt thê thảm như hiện nay chủ yếu do thị trường nhím giống đã bão hòa mà nhím thịt gần như không bán được. Đặc biệt, năm 2010 giá nhím giống 2 tháng tuổi tăng lên tới 20 triệu đồng/đôi nên nhiều người dân đổ xô vay vốn ngân hàng đầu tư vào nhím. Sang năm 2011, bất ngờ thị trường nhím chững lại không bán được khiến nhiều gia đình vỡ nợ. Nhưng theo ông Khoa, cũng một phần tại người dân tự thổi giá nhím giống lên quá cao không đúng với thực tế, trong khi việc mua bán nhím giống thời điểm sốt giá vẫn chỉ là giữa người dân với nhau, nay việc “lướt sóng” đã hết giá nhím mới thực sự quay về đúng bản chất của nó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết, phong trào nuôi nhím tại Sơn La hình thành và phát triển gần 10 năm nay và hiện tất cả các địa phương trong tỉnh đều thành lập các Hội, CLB nuôi nhím. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 hộ nuôi nhím, nhiều vài trăm con, ít vài chục con.

Ông Nghị khẳng định, nhím là loài vật nuôi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, rất nhiều gia đình đã thoát nghèo làm giàu từ loài gặm nhấm này. Tuy nhiên, năm 2011, khi thị trường nhím giống bắt đầu bão hòa mà việc nuôi nhím thương phẩm gặp khó khăn khiến giá nhím giảm đột ngột. Vào lúc cao điểm, một đôi nhím giống 2 tháng tuổi giá tới 20 triệu đồng thì nay nuôi đến 3 - 4 tháng chỉ bán được 3 triệu đồng/đôi đã là may, nhím bố mẹ từ 40 triệu đồng/đôi nay còn chưa đầy 6 triệu, như vậy tính ra giá thịt nhím chỉ vào khoảng 250.000 đồng/kg.

Việc giá nhím xuống bất ngờ và nhanh như vậy khiến người dân trở tay không kịp nên có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất với người nuôi nhím tại Sơn La.

TỪ YÊU SANG GHÉT

Được biết, thời điểm này năm ngoái, rất nhiều hộ dân tại Sơn La vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua nhím giống. Nay giá nhím xuống thấp lại khó bán nên rất nhiều gia đình đang lâm vào cảnh nợ nần. Anh Lò Văn Tỉnh, một trong những hộ nuôi nhím có tiếng ở bản Ỏ, xã Mường Sai, huyện Sông Mã cho biết, anh nuôi nhím được gần 10 năm nhưng chưa khi nào anh thấy giá nhím đảo chiều nhanh đến vậy.

Từ khi nhím xuống giá, thỉnh thoảng cũng có một vài thương lái dưới xuôi đến hỏi mua nhím nhưng họ trả giá vô cùng bèo bọt có 2 triệu đồng/đôi nhím 3 tháng tuổi. Vì tiếc của nên gia đình anh Tỉnh vẫn cố gắng duy trì đàn nhím với hy vọng giá nhím sẽ phục hồi trở lại. Giá nhím thì chưa biết khi nào tăng, nhưng mấy chục con nhím đã đến tuổi xuất chuồng nhà anh Tỉnh mỗi tháng ngốn hết của anh hàng triệu đồng tiền thức ăn.

Còn ông Đinh Công Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nuôi nhím TP Sơn La cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có gần 700 hộ nuôi nhím, số lượng trên 6.000 con. Dẫn tôi thăm chuồng nhím nhà mình ông Hiệp thở phào bảo, may là năm trước khi giá nhím đang cao gia đình ông đã bán được hơn nửa đàn, nếu giữ lại đến giờ chắc sạt nghiệp. Ông Hiệp tâm sự, rất nhiều hộ gia đình nuôi nhím tại TP Sơn La đang nợ ngân hàng cả vài trăm triệu đồng bởi nhím sinh ra chật cứng trong chuồng không bán được. Bản thân ông Hiệp đã phải đau lòng chứng kiến rất nhiều trường hợp vợ chồng đánh, chửi nhau cũng chỉ vì con nhím “phản chủ”.

“Vừa qua, tỉnh Sơn La cũng phối hợp với các Hội, CLB nuôi nhím phát triển mạnh nhím thương phẩm nhưng bán rất chậm bởi cho dù có giảm nhưng so với mặt bằng chung giá thịt nhím vẫn cao nên ít người ăn. Trước đây, chúng tôi có xuất được mấy lô hàng nhím thương phẩm sang Trung Quốc nhưng không hiểu sao dạo này họ không mua nữa. Cứ cái đà này, không biết người nuôi nhím tại Sơn La sẽ cầm cự được bao lâu?”, ông Đinh Công Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nuôi nhím TP. Sơn La ngán ngẩm.

Để minh chứng rõ tác động của con nhím đến cuộc sống của người dân, Trưởng bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, Bùi Văn Nê dẫn chúng tôi ra thăm chính chuồng nhím nhà mình. Với vẻ mặt rầu rĩ, ông Nê cho biết cuối năm 2010, nhận thấy phong trào nuôi nhím phát triển, lợi nhuận cao mà cách chăm sóc lại dễ nên ông Nê vay ngân hàng gần 100 triệu đồng mua 3 đôi nhím. Đùng một cái, sang năm 2011 giá nhím tụt xuống chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/đôi khiến ông Nê lỗ hơn 70 triệu đồng. Đã lỗ là vậy, nhưng bình quân mỗi tháng ông Nê vẫn phải bỏ ra gần 1 triệu đồng tiền mua thức ăn nuôi “báo cô” đàn nhím mà chưa biết khi nào bán được.

Không chỉ ông trưởng bản mà ngay cả ông Bí thư Chi bộ Chiềng Yên, Lại Như Sơn cũng đang sốt ruột như cào vì mấy chục con nhím trong chuồng đã quá tuổi xuất chuồng chả có ma nào đến hỏi mua. “Trước đây người dân Sơn La yêu quý con nhím bao nhiêu thì nay căm ghét bấy nhiêu. Nhiều lúc chán quá định đem ra làm thịt ăn cho đỡ phải suy nghĩ nhưng lại lo khoản nợ ngân hàng không trả được còn có cái mà gán. Quả thực, chúng tôi không thể ngờ loại vật nuôi được coi là “mỏ vàng” như nhím lại sụp đổ nhanh đến vậy”- ông Sơn bộc bạch.

 

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...