Làng tôm... tỷ phú

Về xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đụng đâu chúng tôi cũng gặp những lão nông mà người dân địa phương ưu ái gọi là “tỷ phú tôm công nghiệp”. Hình như, cả làng, cả xã Hòa Mỹ rặt toàn… tỷ phú.

Chưa từng thất bại

Trước khi gặp những lão nông này, chúng tôi được anh Phan Văn Bảo, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Mỹ “quảng cáo” rầm rộ: “Ở xã tôi, có những ông nông dân nuôi tôm công nghiệp rất tài ba, hầu như từ khi bắt đầu nuôi đến nay chưa hề thất bại”.

Để minh chứng cho lời mình, anh Bảo dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Ý, ngụ ấp Rau Dừa, một lão nông kỳ cựu đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi tôm công nghiệp tại địa phương. Tiếp chúng tôi, ông Ý từ tốn nói: “Sau mấy năm nuôi tôm quảng canh trên 2 ha ao của gia đình, không lời lãi được bao nhiêu mà rủi ro lại nhiều. Từ năm 2004, tui quyết định chuyển sang nuôi tôm thâm canh, với 5 ao tôm công nghiệp gần 7 năm qua chưa hề thất bại vụ nào”.

Theo tính toán của lão nông này, bình quân mỗi năm nuôi 2 vụ, sau khi trừ tất cả chi phí, 5 hầm tôm của gia đình ông còn lãi trên 2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong vụ tôm đầu năm nay, ông Ý đã thu về gần 1 tỷ đồng, còn vụ tôm thứ 2 sắp thu hoạch cũng hứa hẹn thắng đậm.

Anh Bảo vui vẻ cho biết, người dân trong xã Hòa Mỹ không “hà tiện” phổ biến kinh nghiệm làm giàu trong nuôi tôm công nghiệp. Tiêu biểu như gia đình ông Ý, cứ người nào đến hỏi về kỹ thuật nuôi tôm ông đều nhiệt tình chỉ dẫn. Người này mách người kia, riết rồi tất cả bà con trong ấp ai cũng nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao. Không chỉ thế, nhiều bà con còn tổ chức thành lập các tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp, nhằm mạnh dạn đầu tư vốn liếng, trao đổi khoa học… để cùng nhau nuôi.

 Rời nhà ông Ý, chúng tôi cùng anh Bảo đến thăm 4 hầm tôm công nghiệp thu về hàng tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Trần Trung Tính, ngụ ấp Thị Tường. Dù bận đi công chuyện, nhưng ông Tính quyết định tạm hoãn lại để tiếp chúng tôi. Dẫn khách đi tham quan các hầm tôm của gia đình, ông Tính nói chắc nịch: “Ngoài việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chúng tôi còn được tham gia học tập ở các lớp tập huấn do Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với xã tổ chức. Qua các lớp học, anh em chúng tôi được hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết về việc cải tạo ao đầm, cách chọn con giống, coi mặt nước, cho ăn… Nên khi bước vào nuôi, bà con ai cũng nắm vững kiến thức và kỹ thuật, hầu như không ai thất bại từ mô hình này”.

Theo anh Phan Văn Bảo, hiện tại xã đã hình thành được 3 tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp với hàng trăm thành viên tham gia. Nói về hiệu quả hợp tác nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ khẳng định: Từ khi các Tổ hợp tác này hình thành và đi vào hoạt động đến nay, đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã trong thời gian qua không ngừng tăng lên.

Hiện tại, diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã vượt chỉ tiêu huyện giao trong năm 2011 rất nhiều (với 44 ha, đạt 125% chỉ tiêu). Lợi nhuận kinh tế đưa lại cho bà con đến thời điểm này đã đạt trên 23 tỷ đồng, bình quân 1 ha thu gần 5 tấn tôm sú.

Lợi ích “hai chung”

“Tuy các Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp chỉ mới hình thành trong thời gian gần đây, nhưng những hiệu quả mà nó mang lại là thấy rõ. Từ đó, ngày càng có nhiều nông dân trên địa bàn đăng ký tham gia Tổ hợp tác. Khi là thành viên của Tổ hợp tác, nông dân có lợi từ nhiều mặt: Được hỗ trợ lẫn nhau từ kinh nghiệm nuôi, từ đồng vốn của quỹ tương trợ giúp nhau thoát nghèo” - ông Phan Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thống Nhất, xã Hòa Mỹ nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng, ngoài việc các thành viên trong Tổ hợp tác được hưởng các lợi ích thiết thực, bà con còn dễ dàng tiếp cận được với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng, nhà cung cấp thức ăn, thuốc trị bệnh trên tôm…

Tìm hiểu của chúng tôi, nguồn vốn từ quỹ tương trợ giúp nhau thoát nghèo của các Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ở xã Hòa Mỹ thời gian qua đã giúp ích cho rất nhiều gia đình nghèo trong xã vươn lên. Nông dân Trần Trí Lời vui mừng bày tỏ: “Khi tham gia vào Tổ hợp tác, tui được hỗ trợ thêm về nguồn vốn để cải tạo ao đầm, mua con giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các thành viên trong tổ. Vì thế gia đình tui giờ đã có của ăn của để. Tuy không nhiều nhưng những gì mà tui có được bây giờ, trước đây nằm mơ cũng không thấy”.

Nguồn TSVN

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...