Học nghề cũng phải... chạy
Học xong để đấy
Theo lời giới thiệu của một cán bộ Trung tâm chuyển giao công nghệ - Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân) tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi về Yên Lạc - một xã vùng sâu của huyện Như Thanh.
Cũng chính vì là xã vùng sâu, thuộc diện nghèo nhất nhì huyện nên mấy năm nay, Yên Lạc được ưu tiên làm trọng điểm đào tạo nghề của huyện. Chẳng thế mà ngay hôm chúng tôi về Yên Lạc đã gặp được liền hai lớp dạy nghề vừa khai giảng. Một lớp dạy nghề đan bẹ chuối khoảng 30 người. Một lớp dạy kỹ thuật nuôi ngan 30 người nữa.
Ông Lê Minh Vân - Chủ tịch UBND xã Yên Lạc phấn khởi cho biết thêm, lớp dạy nghề nuôi baba và cá diêu hồng do TT Khuyến nông tỉnh cử giáo viên về xã giảng dạy vừa bế giảng cuối tháng trước. 50 học viên là nông dân trong xã sau khóa học 3 tháng còn được cấp cả chứng chỉ nghề hẳn hoi. Theo kế hoạch trong năm nay, nông dân Yên Lạc còn được ưu tiên mở 3 lớp dạy nghề trồng cây hương bài, 2 lớp kỹ thuật làm hàng thủ công xuất khẩu thu hút vài trăm học viên là ít...
Nghe cán bộ xã tổng kết phong trào đào tạo nghề, tôi thấy vui vì không ngờ ở cái xã vùng cao của xứ Thanh này, nông dân lại được quan tâm đào tạo nghề quanh năm với lắm thứ nghề như thế. Ngay như năm 2008, xã đã có 6 lớp dạy nghề được triển khai. Như báo cáo của UBND xã thì đã có trên vài nghìn lượt nông dân theo học.
“Thường xuyên theo dõi các lớp đào tạo nghề ở địa phương, tôi để ý thấy hầu hết bà con đều có ý thức nghiêm túc, chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ. Nhất là các lớp dạy kỹ thuật nông nghiệp. Bên cạnh đó vẫn có nhiều người ý thức rất kém, thậm chí uống rượu say đến nỗi công an xã phải vào lớp lôi về", ông Lê Minh Vân – Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. |
So với lực lượng lao động của xã hiện nay khoảng 1.700 người thì nghĩa là... hơn 100% lao động ở Yên Lạc đã được tham gia đào tạo nghề hàng năm. Sở dĩ như vậy là vì một nông dân mỗi năm có khi tham gia liền dăm ba lớp dạy nghề. Lớp dạy nghề xây dựng dân dụng vừa bế giảng, lớp nuôi ếch, ba ba lại khai giảng. Lớp dạy nghề thêu ren chưa kết thúc, lớp mây tre đan đã mở ra. Có khi các khóa đào tạo mở song song, chồng chéo lên nhau nên nông dân phải "chạy sô" liên tục.
Nói về chuyện dạy nghề, anh Bùi Văn Cường (thôn 2, xã Yên Lạc) chép miệng: "Nghe hoành tráng thế thôi! Chứ mỗi năm có hàng chục lớp với đủ thứ nghề mở ra, nhưng chỉ có mấy lớp ngắn hạn về kỹ thuật canh tác mía, trồng rừng, nuôi gia súc gia cầm là sát với thực tế nên dân hào hứng đi học. Còn như mây tre đan, thêu ren, thợ hồ, nuôi baba, nuôi nhím… năm nào chả có mở lớp đào tạo nhưng chẳng mấy ai tham gia".
Năm ngoái, nghe cán bộ xã hô hào vận động bà con đi học nghề nuôi baba và nhím, rồi thì nuôi giun phục vụ nuôi gà. Ban đầu dân tò mò tập trung năm sáu chục người theo học, nhưng được ít hôm thì người học bỏ dần, chỉ còn lại dăm ba người nên lớp học giải tán.
“Nói có nhà báo, cả đời mình đã thấy con nhím là thế nào. Baba thì xem tivi thấy người ta nuôi mà đến vỡ nợ. Nghe đã phát sợ. Lại chẳng biết nuôi tiêu thụ ở đâu. Thế còn ai dám nuôi?”, một người dân phản biện.
Vào thôn Ba Cồn (xã Yên Lạc), thấy 30 nông dân, chỉ toàn phụ nữ, có người bồng bế cả con cháu ngồi nghe giảng về kỹ thuật nuôi ngan. Hỏi họ về tình hình chăn nuôi trong thôn, họ bảo, kỹ thuật được dạy liên tục nên rành lắm rồi nhưng trong thôn cũng chưa ai nuôi nổi trăm con bởi không có vốn. Hơn nữa như năm ngoái ai nuôi nhiều lỗ nhiều nên giờ cũng hốt.
Hiếm hoi lắm, tôi mới gặp được một thanh niên còn sót lại sau Tết ở Yên Lạc – chị Bùi Thị Chín. Chín bảo: “Học xong thì phải có việc làm, có thu nhập; chứ như nghề mây tre đan hay thêu ren, đan bẹ chuối… học xong rồi để đấy. Có người làm cật lực mà ngày công chỉ có dăm bảy nghìn đồng thì học làm gì?”
Có nghề cũng không trụ được
Về Yên Lạc nghe dân bảo thanh niên ở xã bây giờ chỉ có đi thợ xây là nhiều, tôi nhớ ngay tới Tân Sơn – một xã thuần nông của huyện Kim Bảng (Hà Nam) bởi nghề truyền thống ở đây là thợ xây. Lần này nói chuyện với ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Tới về chuyện dạy nghề cho nông dân, ông Tới phân trần: “Cái này xã loay hoay mãi rồi nhưng vẫn bí. Nói thật, nếu không có nghề vôi vữa chắc nguy to. Cả xã có tới sáu bảy trăm thợ hồ, chiếm ½ lực lượng lao động toàn xã". Tôi thắc mắc: “Nhiều thợ hồ thế, chắc phải có lớp dạy nghề? Ở Thanh Hóa họ mở cả lớp dạy nghề thợ xây cho nông dân…”. Ông Tới cho hay: “Chưa có lớp dạy thợ xây nào, mà có dạy miễn phí chắc gì họ đã đi. Anh tính, công phụ hồ giờ bét cũng 50 nghìn/ngày. Học nghề thợ xây ít nhất phải 3 tháng, vừa mất công, vừa không có tiền. Mà nông dân thì anh biết rồi, túng bấn quá mới phải đi phụ vữa chứ”.
“Đào tạo nghề cho nông dân nên đi sát vào nhu cầu nông dân từng địa phương đang cần gì, thiếu gì. Một số địa phương ở Thanh Hóa nông dân sử dụng máy cày rất nhiều. Thế nhưng hỏng một tí là phải đi gọi thợ. Nếu ở đó mở một lớp dạy sửa chữa máy cày, chắc chắn dân sẽ đi ào ào. Mà cái này chỉ cần 10 ngày là cùng. Tôi lên Như Thanh, Bá Thước… thấy dân sử dụng điện trong nông nghiệp tai nạn chết người như bỡn, nhưng chưa ở đâu có lớp dạy nông dân cách sử dụng điện và thiết bị nông nghiệp cả. Tôi lên vùng Lang Chánh, Thường Xuân… thấy nông dân nheo nhóc, lười nhác. Đến cái sân cũng mọc đầy cỏ. Đào tạo nghề cho nông dân còn phải dạy và rèn cho họ tác phong, kỷ luật trong lao động. Cái này rất quan trọng”, bà Thiều Thị Yến – GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa) |
Tuy không có lớp dạy thợ xây, nhưng Tân Sơn cũng như nhiều xã ở Kim Bảng (Hà Nam) cũng không phải là “trắng” đào tạo nghề. Năm 2004, Tân Sơn cũng đã từng được hỗ trợ mở 2 lớp dạy nghề mây giang đan thu hút dăm bảy chục người học. Học có vài ba tháng nhưng tay nghề thành thạo, đến cả giáo viên cũng khen. Thế nhưng cũng chỉ được vài năm đầu dân hăng hái với nghề, sau cũng bỏ dần bởi công thấp quá. Dân xóm Hồi Trại một thời rầm rộ làm mây giang đan bảo: “Mình có tay nghề nhưng sao “đọ” được với cánh Nhật Tân, Hoàng Giang (Kim Bảng). Họ thành lập cả HTX mây giang đan từ bao lâu rồi. Nguyên liệu mua tận gốc, bán hàng tận ngọn mà ngày công chỉ nổi 20.000đ/ngày”.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, ở Tân Sơn bây giờ ngoài làm ruộng cũng chỉ có nghề thêu ren là còn rơi rớt lại. Thêu ren có mặt ở Tân Sơn từ những năm 1994 – 1995. Đích thân chủ tịch Tới hồi ấy là Chủ nhiệm HTX từng đứng lớp dạy nghề. Ấy thế mà bây giờ trong xã cũng chỉ vẻn vẹn vài chục hộ theo nghề. Bởi như vài năm trước, có tới 20% số hộ trong xã làm nghề thêu ren nhưng vẫn phải lấy nguyên liệu của dân Thanh Hà (Phủ Lý, Hà Nam) để gia công cho họ, chứ cả xã chẳng có ông chủ nào đứng ra tổ chức sản xuất tiêu thụ cho dân.
Nhắc tới thêu ren, ông Tới lắc đầu: “Mình biết chứ, tiền công ăn thua gì. Nhưng dân không làm thì còn biết làm gì được”. Có lẽ vì thế mà năm 2009 này, Tân Sơn được phân bổ 50 triệu đồng từ quỹ Khuyến công của tỉnh thì… “vẫn phải mở” thêm 2 lớp dạy nghề thêu ren.
Thôn Hồi Trại – cái nôi của nghề thêu ren ở Tân Sơn cuối chiều vắng tanh. Gặp tôi, chị Nguyễn Thị Nhung vừa làm cỏ lúa về kể: “Chồng đi làm thợ hồ. Hai đứa con đi làm ăn xa. Một mình làm 7 sào ruộng. Mang tiếng là nhiều nhưng bây giờ cái gì cũng máy. Cuối tháng hai này chăm lúa xong cũng chơi dài tới lúc gặt. Đất vườn chỉ có vừa đặt cái nhà nên cũng chẳng chăn nuôi. Học nghề à, mình hơn 40 tuổi còn học được gì. Thôi thì lúc nào rỗi rảnh lại lên mạn Thanh Hà (Phủ Lý – Hà Nam) nhận hàng thêu ren về ngồi… làm cho vui”.
LTS:
Không phải tất cả, nhưng ở nhiều địa phương, việc đào tạo nghề hiện nay đang diễn ra theo kiểu học và dạy lấy được. Cách làm đó dẫn đến những "tác dụng phụ" rất nguy hại, tiền Nhà nước đổ ra ào ạt nhưng người được dạy nghề thì vẫn loay hoay không biết làm gì. Loạt phóng sự điều tra của phóng viên NNVN sẽ chỉ ra những bất cập đó và những mong mỏi của người dân về vấn đề này...
(Theo nongnghiep.vn)
Bài viết cùng danh mục
Tin xem nhiều
Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5
![]() |
Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI 1. ... |
![]() |
Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ... |
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm
![]() |
Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ... |
Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm
![]() |
Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ... |
Nuôi cá lăng nha trong lồng bè
![]() |
Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ... |
Video xem nhiều
Sử dụng thuốc gốc đồng để trừ bệnh
![]() |
(Nguồn THĐT) |
Tác dụng của Canxi với sự sinh trưởng của cây lúa
![]() |
(Nguồn THĐT) |
![]() |
(Nguồn THVL) |
Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao
![]() |
Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ... |
Sinh vật cảnh tiềm năng kinh tế nông nghiệp đô thị
![]() |
(Nguồn THĐT) |