Giải pháp khắc phục lúa xuân thu hoạch muộn

Vụ xuân năm 2011 thời tiết diễn biến bất thường. Từ đầu vụ đến cuối tháng 4 có trên 20 đợt không khí lạnh, trong đó có 4 đợt rét đậm, rét hại kéo dài 37 ngày. Vụ xuân nhiệt độ thấp, nắng ít, thời tiết âm u, mưa phùn và có độ ẩm cao hơn trung bình nhiều năm làm hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa và dẫn tới lúa sinh trưởng chậm và đẻ nhánh muộn.

Ở địa bàn Hà Nội đến cuối tháng 3, nhiều diện tích lúa vẫn chưa đẻ nhánh, có một số diện tích bị nghẹt rễ. Tuy nhiên từ cuối tháng 3 đến nay gặp thời tiết ấm, ánh sáng đủ lúa lên như phất cờ mỗi ngày một khác, lúa đẻ nhánh nhanh đã kín đất (đặc biệt là lúa gieo sạ). Đại trà diện tích đã kết thúc đẻ nhánh với số dảnh hữu hiệu đảm bảo và đã có đòng từ bước 4 đến bước 5 (cứt dán, hoa dệu). Dự tính lúa sẽ trỗ tập trung vào khoảng 15 đến 25/5 chậm hơn các vụ trước từ 10 đến 15 ngày và nếu từ nay đến cuối vụ tình hình thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít thì lúa vụ xuân vẫn đạt năng suất cao.

Vì qua kinh nghiệm thực tế đã có vài vụ trải qua giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng (kết thúc đẻ nhánh) lúa vẫn chưa tốt, nhiều người còn bi quan, nhưng khi lúa làm đòng, trỗ, chín, gặp thời tiết thuận lợi vẫn được mùa "ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả". Tuy vậy để tăng năng suất lúa vụ xuân và khắc phục khó khăn do lúa xuân thu hoạch muộn đẩy lui thời vụ vụ mùa và vụ đông cần có giải pháp tích cực, khẩn trương, đồng bộ.

Thúc đẩy lúa vụ xuân trỗ sớm và tăng năng suất:

- Diện tích lúa gieo cấy muộn sau khi đẻ đủ số dảnh hữu hiệu cần tháo cạn nước, phơi ruộng nẻ chân chim để kết thúc nhanh giai đoạn đẻ nhánh, hạn chế hấp thụ dinh dưỡng nhất là hấp thụ đạm, rút ngắn thời gian sinh trưởng đồng thời tạo cho rễ ăn sâu, tăng khả năng chống đổ.

- Tăng cường bón kali đón đòng cho lúa: Thực tế đối với nông dân kiểm tra, bóc thấy dảnh cái có cứt dán bón là được. Thời tiết vụ này, nhất là bón đón đòng cần bón tăng phân kali khoảng 10 - 20% so với mọi vụ, không bón phân đạm.

- Khi lúa thấp trỗ phun phân Tilsuper, Boom flouer hoặc siêu kali để lúa trỗ nhanh có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng 2 đến 3 ngày.

- Diện tích lúa đại trà, nhất là diện tích lúa giống nên thực hiện những giải pháp như trên thì mới kịp thu hoạch làm giống chuyển vụ vì vụ mùa chủ yếu là sử dụng giống chuyển từ vụ xuân.

- Gặt sớm khi lúa có đủ độ chín 90- 95%, thực hiện khẩu hiệu "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế rơi rụng và nảy mầm.

- Giữ nước gặt để làm đất thuận lợi.

Giải pháp khắc phục chậm thời vụ đối với vụ mùa:

Tích cực tác động các biện pháp đồng bộ như trên để giữa tháng 5 lúa trỗ, giữa tháng 6 thu hoạch, cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa làm đất vừa cấy xong cơ bản lúa mùa (các tỉnh Đồng bằng sông Hồng chủ yếu là cấy trà lúa mùa sớm để kịp làm vụ đông) như vậy thời vụ rất khẩn trương. Kinh nghiệm mấy vụ mùa gần đây cho thấy, cấy mùa sớm hạn chế được tác hại của mưa úng, tránh được sâu đục thân 2 chấm lứa 5 lúc lúa trỗ nên cho năng suất cao.

- Mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa ngắn ngày; thời gian sinh trưởng tương đương và ngắn hơn Khang dân: Khang dân, TH3-3, VN20, Nếp 87, VS1, QR1, P6 đột biện, DT122...

- Gieo mạ sân, mạ nền đất cứng, mạ trên đất màu, nơi không có sướng mạ cắt 1 chòm lúa để gieo mạ. Gieo mạ trên sân, mạ trên nền đất cứng sau gieo 7- 10 ngày là cấy được.

- Bón phân vi sinh Azotobacterin hoặc bón vôi bột 15- 20kg/sào. Do gặt xong phải làm đất ngay để kịp cấy. Bón phân vi sinh hoặc vôi bột để rạ chóng phân hủy, khử chua, bổ sung dinh dưỡng vào trong đất và hạn chế bệnh vàng lá sinh lý.

- Cấy mạ xúc: Tỷ lệ diện tích cấy mạ xúc ở Hà Nội vụ mùa đã chiếm khoảng 20 - 30% tổng diện tích cấy lúa. Mạ xúc có nhiều cái lợi: do có đất ở gốc nên cấy nông tay, cấy ít dảnh, lúa bén chân ngay không bị chết táp do nắng nóng của vụ mùa. Cấy mạ xúc ngoài làm tăng năng suất còn rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 3-4 ngày.

- Bón phân cân đối N, P, K tốt nhất là dùng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng, bón tăng phân kali. Bón đủ phân lót, kết thúc bón thúc sau cấy 8-10 ngày, không bón phân đạm lai dai.

- Nơi có điều kiện thì tháo nước lộ ruộng khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu và khi lúa đỏ đuôi.

- Lúc lúa thấp tho trỗ phun Tilsuper, Boomflouer hoặc siêu kali.

- Gieo sạ: Gieo sạ giúp giảm chi phí sản xuất nhất là giảm giống và công lao động, tăng năng suất, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7 đến 10 ngày nên là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khâu thời vụ và khâu thiếu giống. Từ năm 2007 đến nay đã qua 4 vụ mùa từ làm điểm đến gieo sạ đại trà, có thể khẳng định gieo sạ vụ mùa có hiệu quả. Vụ mùa gieo sạ thuận lợi hơn vụ xuân là gieo xong lúa lên nhanh. Chỉ có khó khăn là gieo xong dễ gặp mưa. Nhưng nhiều nơi đã có kinh nghiệm gieo xong đắp trổ lại, nếu gặp mưa rào hạt giống chỉ bị vùi lấp, xê dịch sau đó lúa vẫn lên và phát triển bình thường.

Tác động đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác biệt so với vụ sản xuất bình thường từ khâu: giống, nước, phân bón,... thực hiện ngay từ thời điểm này trở đi vừa tạo điều kiện cho lúa đạt năng suất cao và sẽ thúc đẩy lúa xuân chín sớm, tạo điều kiện cho vụ mùa và vụ đông gieo trồng kịp thời vụ.

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...