Hiệu quả từ nguồn vốn xoay vòng trong chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Từ nguồn vốn dự án chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học do Tổ chức Care tại Đồng Tháp tài trợ, bằng hình thức chuyển vốn xoay vòng không tính lãi cho các hộ chăn nuôi, từ năm 2008 đến nay, Trạm Thú y huyện Châu Thành đã thực hiện được 7 vòng chuyển vốn chăn nuôi với trên 30 hộ dân tham gia, vừa giải quyết được việc làm vừa chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi cho bà con. Hiện mô hình đang được duy trì và phát huy hiệu quả.

Huyện Châu Thành là địa phương có tổng đàn vịt khá lớn so với các địa phương khác trong tỉnh chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng. Trước đây bà con chăn nuôi vịt chủ yếu là thả lang, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm A H5N1. Từ tháng 7 năm 2008, Tổ chức Care tại Đồng Tháp đã hỗ trợ huyện Châu Thành xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, bằng hình thức cho bà con nông dân mượn vốn xoay vòng không tính lãi để chăn nuôi, mỗi đợt có ít nhất là 4 hộ nuôi với số lượng đầu tư con giống tối thiểu cho mỗi hộ là 200 con vịt giống siêu thịt Super M2. Song song với việc giúp vốn cho bà con nông dân, ngành Thú y đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, vận động bà con chuyển dần hình thức chăn vịt nuôi chạy đồng sang nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Qua hơn 2 năm thực hiện, Trạm Thú y huyện đã thực hiện được 7 đợt chuyển vốn có trên 30 hộ dân của 6 xã trên địa bàn huyện tham gia gồm: An Phú Thuận, Tân Phú, Phú Hựu, An Nhơn, Phú Long và Hòa Tân. Hầu hết các hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi đều mang lại hiệu quả thiết thực, lợi nhận khá, ít dịch bệnh, sản phẩm an toàn, chất lượng. Điển hình như ông Phạm Tấn Vị, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, năm 2009 với số vốn 20 triệu đồng do Trạm Thú y huyện Châu Thành hỗ trợ, ông Vị đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại và thả nuôi 500 con vịt giống siêu thịt Super M2, nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, học kinh nghiệm chăn nuôi qua sách, báo và những người có kinh nghiệm, cùng với việc chăm sóc tốt nên sau khoảng 2 tháng thả nuôi, đàn vịt của gia đình ông đạt trọng lượng từ 3 đến 3,5kg/con, tổng sản lượng đàn đạt trên 1,5 tấn, bán với giá 41.000 kg, trừ chi phí ông Vị còn lợi nhuận gần 10 triệu đồng.

Với kết quả đạt được ông Vị đã hoàn vốn cho Trạm Thú y huyện và tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học trên cơ sở điều kiện chuồng trại sẵn có cũng như những kinh nghiệm được ngành Thú y hướng dẫn, hiện tổng đàn vịt của ông đã lên đến 1.000 con. Sau mỗi đợt thả nuôi ông Vị thu lãi từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ông Phạm Tấn Vị cho biết “Trước đây nuôi vịt chạy đồng rất cực lại tốn nhiều công sức, chi phí tiêm phòng dịch bệnh rất tốn kém, từ khi áp dụng nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, giúp giảm được chi phí tiêm phòng dịch bệnh, lợi nhuận khá hơn so với nuôi vịt chạy đồng như trước đây”. Đến nay, ông đã nuôi được 6 lượt, mỗi lượt ông Vị lãi được từ 5 - 10 triệu đồng.

Không riêng gì hộ ông Phạm Tấn Vị, mà 30 hộ khác được hỗ trợ từ nguồn vốn xoay vòng của tổ chức Care sau khi áp dụng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học, đều có lợi nhuận khá, sau khi kết thúc vụ nuôi hoàn được vốn và có điều kiện tiếp tục tái đàn phát triển chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, đã có hơn 30 hộ thực hiện mô hình này, hộ nuôi ít nhất cũng khoảng 200 con, có hộ mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng hàng ngàn con. Dự án phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học của Tổ chức Care tài trợ hiện đã kết thúc. Tuy nhiên, nguồn vốn được tổ chức Care chuyển giao lại cho Trạm Thú y huyện Châu Thành tiếp tục duy trì hình thức chuyển vốn xoay vòng đến bà con nông dân thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học.

Ông Huỳnh Thanh Tâm - Trưởng Trạm Thú y huyện Châu Thành cho biết: “Thuận lợi của mô hình là đã hỗ trợ vốn không tính lãi và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi. Nhờ vậy, hầu hết các hộ được hỗ trợ đều phấn khởi. Sau khi đã thực hiện xong mô hình chúng tôi thu hồi vốn chuyển vốn qua cho hộ khác. Các hộ nuôi cũ vẫn tiếp tục tận dụng chuồng trại sẵn có tiếp tục tái đàn phát triển chăn nuôi .Tuy nhiên, để được hỗ trợ từ đồng vốn này các hộ chăn nuôi phải đạt các tiêu chí của cơ quan chuyên môn như: diện tích chuồng trại, điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn vốn đầu tư thức ăn chăn nuôi nhằm đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn và mục đích của dự án”.

(Lệ Chi - Báo Đồng Tháp)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...