Nuôi tôm hùm ở Phú Yên

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển trên 189 km với địa hình khúc khuỷu và các eo, đầm, vịnh lớn rất thích hợp và thuận lợi nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm hùm XK.

MỖI NĂM THU NGÀN TỶ

Những năm gần đây, sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch của Phú Yên lên đến 700- 800 tấn/năm, cao nhất cả nước; tương đương giá trị thực tế từ 800- 1.000 tỷ đồng.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ năm 1990, lúc đó một số bà con ngư dân sống bằng nghề khai thác thủy sản ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài bắt được những con tôm hùm con đem nhốt vào đăng nhỏ. Một thời gian sau thấy tôm hùm lớn dần, đăng nhỏ được thay thế bằng đăng lớn hơn. Từ đó phương thức nuôi tôm hùm bằng đăng đáy được hình thành.

Người dân dùng cọc gỗ có đường kính 8-10 cm, chọn loại gỗ chắc, chịu được sóng gió và nước biển, vát nhọn một đầu đóng sâu xuống nền đáy đầm, vịnh từ 0,5- 1,2 m để làm khung đăng, dùng các cây gỗ nhỏ hơn làm sườn, sao cho khung đăng vững vàng chắc chắn là được.

Sau khi đóng cọc xong, đăng lưới mặt đáy và bốn mặt xung quanh rồi thả giống cỡ từ 30- 50g/con với mật độ 5- 7 con/m2 vào đăng để nuôi. Nguồn tôm hùm giống chủ yếu được bắt từ môi trường tự nhiên, cho nên trong một đăng nuôi có nhiều loại tôm hùm khác nhau, như tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi...

Khi thu hoạch, tôm hùm thương phẩm thường có trọng lượng nhỏ; dưới 0,5 kg/con chiếm tỷ lệ cao, do nhiều tôm hùm đá và tôm hùm sỏi. Chỉ có tôm hùm bông là có kích cỡ thương phẩm lớn trên dưới 1 kg, nhưng chiếm tỷ lệ thấp. Nhưng dù sao chăng nữa cách làm này đã cho bà con ngư dân một nguồn thu nhập đáng kể.

Đến năm 1994, nghề nuôi tôm hùm bằng đăng đáy ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài phát triển trên diện rộng, đã có hàng trăm hộ dân đầu tư làm đăng nuôi tôm hùm. Nhu cầu về tôm hùm giống cũng tăng lên, hoạt động khai thác và dịch vụ mua bán tôm hùm giống tự nhiên cũng nhanh chóng được đẩy mạnh.

CẢI TIẾN NUÔI

Phương thức nuôi tôm hùm bằng đăng đáy, sau ít năm đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế và nhược điểm. Việc cho tôm ăn cũng như chăm sóc, quản lý chưa được chú trọng và chưa theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào. Việc làm vệ sinh đáy đăng khó khăn. Phương thức nuôi này cũng chỉ nuôi được ở nơi nền đáy mềm. Khi có sự thay đổi khác thường về thời tiết, khí hậu và sự biến đổi xấu của môi trường thì không thể di chuyển đăng đi nơi khác được, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vụ nuôi; có trường hợp do ô nhiễm cục bộ tại từng đăng nuôi làm cho tôm bị bệnh và chết gây thiệt hại lớn.

Để nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần nghiên cứu chế biến thức ăn công nghiệp để thay thế thức ăn tự nhiên; nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống tôm hùm, tạo chủ động về nguồn giống, hạn chế phụ thuộc vào giống tự nhiên đang khan hiếm.

Năm 1996, hầu hết các hộ ương, nuôi tôm hùm bằng đăng đáy đã chuyển sang nuôi tôm hùm bằng lồng chìm. Lồng được đăng lưới 6 mặt, mặt trên của lồng có nắp đậy để thuận tiện cho việc kiểm tra, vệ sinh lồng và có ống nhựa đường kính 100 mm (chiều dài nhô lên khỏi mặt nước lúc triều cường trên 0,5m) để cho tôm ăn. Lồng nuôi thường có kích cỡ: (3 x 3 x 1,5 m), (3x3,5x1,5 m), (2 x 3 x 1,2 m) hoặc (3 x 2,5 x 1,2 m). Tôm hùm giống cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, chủ yếu là nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus), mật độ từ 5- 7 con/m3 lồng (cỡ giống từ 30 g- 50 g/con), cỡ tôm thương phẩm bình quân 1 kg/con.

So với phương phức nuôi đăng đáy, thì phương thức nuôi bằng lồng chìm đã có bước tiến bộ hơn nhiều, nhưng chưa thật sự hoàn hảo mà còn bộc lộ một số nhược điểm. Nhất là khi di chuyển lồng tránh bão lụt hoặc mỗi lần cảo lồng (làm vệ sinh) phải nâng lồng lên gần mặt nước rất nặng nhọc và khó khăn, tốn nhiều công sức và chi phí.

Để khắc phục tình trạng đó, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và kết hợp sáng tạo của bà con ngư dân, một phương thức nuôi mới lại được hình thành với nhiều ưu điểm vượt trội, đó là phương thức nuôi tôm hùm bằng lồng bè, phổ biến hiện nay.

 

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...