Xuất khẩu Đồng Tháp, một năm nhìn lại

Năm 2011, kinh tế thế giới đã dần dần hồi phục, một số nền kinh tế lớn vừa thoát ra khỏi khủng hoảng và đã tăng trưởng, giá cả hàng hóa thế giới đều đứng ở mức cao, đây là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần làm nên kim ngạch xuất khẩu cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng có mức tăng trưởng khá. Có thể nói năm 2011 là năm mà xuất khẩu nông-thủy sản cả nước đạt thành tựu cao nhất trong những năm qua, tăng cả về lượng và kim ngạch

Riêng đối với Đồng Tháp kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh chủ yếu là do 2 mặt hàng gạo và thủy sản (cá tra) chiếm tỷ trọng lớn, đứng đầu là kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 471,6 triệu USD, kế đến  là gạo ước đạt 133,1 triệu USD. Ngoài ra, việc tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu cũng góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tỉnh năm 2011 ước đạt 877,3 triệu USD, tăng 46,9% so với thực hiện năm 2010 và vượt 74% chỉ tiêu kế hoạch.

Do gạo và thuỷ sản là 02 mặt hàng chủ lực của Tỉnh chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Tỉnh chiếm đến 94,3%, vì vậy yếu tố tăng giá của 02 mặt hàng này đã tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh tăng.

Nếu loại trừ lượng tái xuất xăng dầu năm 2011 là 237 triệu USD, thì trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu đứng đầu là mặt hàng Thủy sản đông lạnh, chiếm tỷ trọng 73,6% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Tỉnh, sản lượng xuất khẩu ước đạt 161.496 tấn, kim ngạch ước đạt 471,6 triệu USD (về lượng  tăng 35,4%, về giá trị tăng 53,3% so với năm 2010).

Đối với mặt hàng gạo: Do nhu cầu lượng thực thế giới, giá xuất khẩu tăng, nên thị trường xuất khẩu thuận lợi, nhu cầu nhập khẩu các nước tăng hơn, gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, sự năng động của các Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực của Tỉnh trong việc ký kết các hợp đồng thương mại tạo nguồn đầu ra duy trì ổn định, đồng thời hợp đồng tập trung cũng được phân bổ nhiều hơn. Mặc dù thị trường Phillipines chuyển sang hình thức tư nhân đấu thầu đã giảm lượng nhập so với năm 2010, nhưng các thị trường khác tiếp tục được phát triển như: Indonesia, Malaysia, Băngladesh và các quốc gia châu Phi. Năm 2011 sản lượng gạo xuất khẩu ước đạt 277.516 tấn, kim ngạch ước đạt 133,1  triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (về lượng  tăng 8,3%, về giá trị tăng 18,9% so với năm 2010).

Mặt hàng Bánh phồng tôm với sản lượng ước đạt 6.428 tấn, kim ngạch ước đạt 10,1 triệu USD (về lượng  tăng 46,2%, về giá trị tăng 72,1% so năm 2010).

Sản phẩm may mặc giá trị xuất khẩu ước đạt 12,4 triệu USD, tăng 32,1% so với năm 2010.

Góp phần cho kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh còn có sự tham gia của các mặt hàng: phân bón, gốm, composite, hạt sen, sản phẩm ăn liền, thiết bị lọc gió, dược phẩm, thuốc lá nhưng giá trị không đáng kể chỉ chiếm tỷ trọng tương đương 2,19% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Tỉnh. 

Về thị trường xuất khẩu, năm 2011 doanh nghiệp trong Tỉnh đã phát triển thêm 20 thị trường mới, nâng tổng số thị trường xuất khẩu của Tỉnh đến nay trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có thể nói, năm 2011 là năm mà xuất khẩu của Đồng Tháp đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần làm tăng GDP của Tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng 13,55%. Đạt được thành tựu trên là do các nguyên nhân sau:

- Một trong những nguyên nhân chính để kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng cao, tạo bước đột phá, đó là: sự biến động về thị trường và giá cả trên thị trường thế giới đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: gạo, thủy sản theo chiều hướng thuận lợi, thị trường tiêu thụ tốt, nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao, các mặt hàng nông thủy sản của Tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

- Môi trường pháp lý cho xuất khẩu ngày một hoàn thiện hơn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, công tác điều hành xuất khẩu của Chính phủ cũng thay đổi theo tình hình thực tế trong nước và thế giới đã góp phần làm cho hoạt động  xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực.

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cấp các Ngành trong việc quản lý điều hành, kiểm tra, nhắc nhỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

- Sự năng động sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường mới, củng cố và giữ vững thị trường truyền thống.

Bước sang năm 2012, tình hình xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là các mặt hàng nông- thủy sản, vốn là mặt hàng thế mạnh của Tỉnh. Để duy trì và phát huy những kết quả vừa đạt được cần  có những giải pháp đề xuất sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có kế hoạch tái cấu trúc trong đầu tư và hoạt động, đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng hàng hoá xuất khẩu đối với các mặt hàng chiến lược của Tỉnh, đồng thời tiết kiệm các chi phí, giá thành xuất khẩu ở mức thấp đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tập trung khai thác tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời quan tâm phát triển thị trường mới có tiềm năng.

- Tăng cường công tác nắm bắt và xử lý thông tin, dự báo thị trường thông qua các kênh thông tin từ các Bộ Ngành Trung ương để có những dự báo chính xác thông tin thị trường nhằm những định hướng đúng đắn hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Đối với mặt hàng thủy sản, đề nghị Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục điều hành giá sàn xuất khẩu cá tra theo mức hợp lý và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm về giá sàn xuất khẩu, cạnh tranh không lành mạnh. Để quản lý điều hành sản xuất, xuất khẩu cá tra có hiệu quả và bền vững, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra.

- Đối với mặt hàng gạo, đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương có cơ chế điều hành hiệu quả, đảm bảo cân đối cung cầu trên nguyền tắc điều hành xuất khẩu linh hoạt, bình ổn. thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trúc Tươi

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...