Thu lãi lớn từ trồng gừng trong bao

Thật ấn tượng khi chúng tôi đến tham quan mô hình trồng gừng trong bao của anh Phạm Văn Đăng (thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Cả vườn gừng trồng “núp bóng” dưới tán chuối tiêu xanh tốt mỡ màng, cao gần tới ngực, ngay hàng thẳng lối đang chờ ngày thu hoạch. Nhờ trồng theo phương pháp này, anh Đăng đã có lãi lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành, cho biết: "Cách trồng gừng trong bao của gia đình anh Phạm Văn Đăng là một mô hình rất mới mẻ, trồng theo cách này khắc phục được những bất lợi về thời tiết, diện tích đất, không gian, sâu bệnh… Đặc biệt, năng suất cao gấp 5 – 6 lần so với trồng gừng thông thường, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất sản xuất. Hội Nông dân xã đang vận động, tập huấn kỹ thuật cho nhiều hội viên ứng dụng mô hình này".

Anh Phạm Văn Đăng cho hay, năm 2010 trong một lần đi thăm một người bạn ở tỉnh Bến Tre, thấy họ trồng gừng trong bao dưới tán vườn cây ăn trái, thậm chí làm giàn, trồng gừng cả trên kênh mương, anh liền học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử. Lúc đầu anh trồng được 1.000 bao, nhờ chịu khó cần cù, chăm sóc đúng kỹ thuật, lứa gừng đầu tiên đã được thu hoạch. “Kết quả ngoài sự mong đợi, vợ tôi mang ra chợ bán được 50.000đ/kg, cả gia đình vui như Tết. Từ thành công ban đầu, năm 2011 tôi đầu tư trồng thêm 3.000 bao xếp kín vườn chuối, lan sang cả vườn cà phê” – anh Đăng nói.

Người nông dân này cho biết, để gừng cho năng suất cao, ít sâu bệnh, quan trọng nhất là khâu chọn giống: Nên chọn gừng giống từ 10 – 12 tháng tuổi, sạch bệnh. Gừng giống mang về ủ nơi bóng mát, bên trên phủ bạt, tưới nước vừa đủ để giữ ấm. Thời gian ủ khoảng 15 – 20 ngày, gừng nhú mầm hết mang ra cấy.

Chuẩn bị bao: Tận dụng bao đựng thức ăn gia súc (loại 25 kg) cắt đôi rồi may lại, dưới đáy đục 2 lỗ ở góc để thoát nước. Gừng là loại cây ưa đất ẩm, tơi xốp nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng, không chịu úng. Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ 50% đất với 50% phân chuồng hoai mục + vỏ cà phê đã xử lý nấm Trichodarma + 1 muỗng cà phê phân vi sinh (Thăng Long xanh) cho vào bao xong đặt gừng giống (đã ủ nứt mầm) vào giữa bao, cách đáy bao 15 cm, sau đó phủ lớp đất nhẹ khoảng 2cm, trải lên trên mặt một lớp tro trấu cũ hoai mục để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Khi trồng xong cần tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Sau khi trồng được 45 ngày bón lần 1, mỗi bao gừng bón 1 muỗng phân NPK 16 – 16 – 8 quanh gốc và rải lên trên gốc một hỗn hợp gồm 3 phần vỏ cà phê + 1 phần phân chuồng hoai mục + 1 phần đất. 45 ngày sau bón lần thứ 2 tương tự như lần 1.

Anh Đăng chia sẻ, thông thường nếu trồng ở dưới đất, mỗi củ gừng giống chỉ nảy từ 3 – 4 nhánh con, nhưng với cách trồng trong bao, gừng nảy nhánh rất nhiều. Từ khi xuống giống, sau 7 – 8 tháng là có thể thu hoạch từ 3 – 4 kg củ/bao. Chi phí đầu tư cho 1 bao gừng khoảng 3.000 đồng, nếu so sánh với trồng ở dưới đất thì trồng gừng trong bao hiệu quả kinh tế gấp 5 lần.

Gừng trồng trong bao ít bệnh, nếu bị bệnh chỉ việc chuyển bao gừng ra 1 góc riêng để dễ xử lý. Để phòng bệnh héo vàng lá và thối rễ, chủ yếu là phun thuốc ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài, hoặc định kỳ 10 – 15 ngày phun 1 lần. Có thể dùng thuốc nấm gốc đồng Copper zine, Carban 50sc… Nếu bao nào bị nấm hoặc sâu bệnh nặng thì mang ra xa vườn hủy bỏ, không để mầm bệnh lây lan.

Cuối năm 2010 anh Đăng thu hoạch được 9 tấn gừng (trồng trong bao), giá bán mối là 30.000 – 40.000đ/kg, bán lẻ 50.000đ/kg. Hiện nay thị trường tiêu thụ rất mạnh, gừng thu hoạch không đủ cung cấp cho thành phố Bảo Lộc và Công ty Mứt bánh kẹo tỉnh Đồng Nai, chưa kể TP.HCM và các tỉnh thành khác. Nắm bắt được thị trường lớn như vậy, anh Đăng đã vận động, hướng dẫn nhiều người cùng làm.

Chị Đỗ Thị Thơm, người cùng thôn cho biết, ngoài trồng chè, cà phê, gia đình tôi trồng được 1.300 bao, trồng gừng theo cách này đơn giản lắm, chỉ việc xếp bao hỗn hợp đã trộn sẵn dưới tán vườn chuối, cho gừng giống vào để mấy tháng sau là thu hoạch được. Trồng gừng theo cách này, đỡ công chăm sóc rất nhiều, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cây chuối phát triển tốt, buồng to, không bị bệnh.

Nếu đặt bao trồng gừng trong vườn cà phê, thì hầu như không phải làm cỏ, cà phê vẫn phát triển tốt, đồng thời làm cây che bóng mát cho gừng, gừng cứ thế đẻ nhánh ầm ầm. Theo cách tính toán của chị Thơm, trừ hao hụt còn 1.200 bao, với giá gừng bán vào dịp Tết là 40.000đ/kg, thì chị cũng thu được trên dưới 50 triệu đồng, trong khi chi phí không bao nhiêu.

 

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...