Chúng em chỉ mong có cái đầu ra

Nghề đan ở Vạn Thắng vẫn mãi là nghề phụ

Bằng phiếu điều tra ngẫu nhiên của phóng viên NNVN, trong số 100 người được hỏi  thì 99 người cho biết hiện nay họ có nhu cầu và muốn được đi học nghề nếu được Nhà nước hỗ trợ miễn phí. Điều đó chứng tỏ, người dân rất khao khát có một việc làm ổn định, nhưng lại rất ít người dám chắc, nghề họ học có thực sự là chiếc cần câu tốt...

Có thị trường, tha phương làm gì cho mệt

Ông Nguyễn Đức Tiểu - Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thắng (Nông Cống, Thanh Hoá) lắc đầu ngán ngẩm bảo, ngoài làm ruộng, “soi” mãi ở Vạn Thắng cũng chẳng có việc gì đáng gọi là nghề. Bây giờ Vạn Thắng chỉ còn sống lại được một nghề ná ná như mây giang đan ấy là nghề đan thúng mủng, rổ rá, giần sàng…

Thôn Tân Đạo và Sinh Tân (xã Vạn Thắng) có đến 75% số hộ đan rổ rá quanh năm. Trừ tiền mua tre nứa ngày công có thể đạt 30 – 40 nghìn. Chị Lê Thị Đảng – một thợ đan thôn Tân Đạo bảo, nghề này tuy thu nhập khá, nhưng lâu nay cũng chỉ là nghề phụ dành cho phụ nữ và trẻ con thôi.

“Anh tính, nguyên liệu như tre, vầu ở Nông Cống không có. Chúng tôi phải đi mua lại của các chủ buôn ở chợ Chuối (thị trấn Chuối, Nông Cống), họ buôn lại từ trên Như Thanh về. Sản phẩm làm ra chúng tôi lại mang ra chợ Chuối bán lại cho họ. Họ tiêu thụ đi đâu thì chúng tôi không biết. Đôi thúng làm ra nhập lại có 15.000đ/đôi. Chúng tôi đi các vùng khác biết cái thúng đó chính là hàng của dân Tân Đạo, họ bán lại 25 – 30 nghìn/đôi. Đau thế! Nhưng khổ cái, dân ở đây chỉ biết đan thúng thôi, chứ làm gì có ai đứng ra tiêu thụ. Thế nên việc cũng không đều, bữa tắt bữa đỏ”.

Chị Đảng trăn trở: “Mấy năm trước thấy xã vận động bà con đi học mây giang đan, thêu ren mà buồn. Chúng tôi có sẵn nghề tre đan, chỉ cần hướng dẫn thêm sơ sơ là làm mây giang đan ngon lành, chứ cần gì phải dạy tới 6 tháng. Cái chúng tôi cần là làm sao mời được dân Hoằng Hóa lành nghề vào đây hướng dẫn thêm một số mặt hàng mới, chỉ giúp mình nơi tiêu thụ, cách phân phối mở rộng nơi thị trường. Rồi có ai đó đứng ra hỗ trợ kết nối với dân trồng tre nứa trên Như Thanh, mua nguyên liệu tận gốc về. Như vậy ngày công có thể đạt tới 50 – 60 nghìn là đơn giản. Nếu được thế, đàn ông, thanh niên họ cũng ở nhà làm nghề này, chứ đi tha phương làm gì cho mệt như bây giờ. Tóm lại, chúng em chỉ mong có cái đầu ra  thôi”.

Ngẫm câu "muốn bay mà không cất nổi cánh" của ông Nguyễn Đức Tiểu xem ra không sai với người nông dân nơi đây.

Những câu hỏi rối lòng ông chủ tịch

Quay lại với Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam). Tín hiệu vui từ đào tạo nghề năm 2008, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Kim Bảng mở 3 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 140 học viên. Sau khóa đào tạo 3 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ, có tay nghề vững vàng. Hiện tất cả đều đã có việc làm với thu nhập ổn định từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Nhiều năm tâm huyết với đào tạo nghề cho lao động địa phương, chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Tới tiết lộ, mô hình đào tạo nghề gắn với đầu ra cho lao động chúng tôi đã trăn trở nhiều. Nhưng để làm được thì không phải dễ. Năm 2008, biết Cơ sở may Hải Đăng chuẩn bị hoạt động trên địa bàn xã, chúng tôi đã trực tiếp đặt vấn đề với họ phối hợp đào tạo công nhân may công nghiệp. Khi ra trường, các học viện cam kết sẽ làm việc cho cơ sở Hải Đăng.

“Tách Trung tâm dạy nghề ra khỏi Trung tâm GD thường xuyên (TT GDTX) các huyện là điều cần phải làm ngay. Bởi chương trình văn hóa ở các TT GDTX hiện chiếm tới 80% thời gian đào tạo. Các Trung tâm dạy nghề chỉ nên đưa một số chương trình về tác phong, kỷ luật lao động vào giảng dạy. Cần dành trên 90% thời trực tiếp đi vào dạy nghề và thực tế. Người dạy nghề phải là các nghệ nhân, người lao động lành nghề, dày dặn kinh nghiệm với thực tiễn” , ông Lê Đình Lợi – GĐ Trung tâm dạy nghề huyện Nông Cống, Thanh Hóa

Cái khó khi triển khai đào tạo là ý thức của lao động đi học còn kém và mơ hồ. Xã phải giao cho Đoàn Thanh niên đi hô hào vận động các học sinh mới trượt tốt nghiệp THPT trong xã tham gia học. Mặc dù học viên phải nộp học phí 150.000đ/tháng để trang trải công tác đào tạo nhưng khi biết học xong sẽ có việc làm đảm bảo thu nhập ngay thì ai cũng có ý thức học rất nghiêm túc. Trong quá trình đào tạo, Đoàn Thanh niên và Hội nông dân được giao nhiệm vụ giám sát quản lí học viên. Vì thế sau khi học, trình độ tay nghề và ý thức lao động của học viên đã đáp ứng được nhu cầu thỏa thuận với Cơ sở may Hải Đăng.

“Khi nhu cầu của DN may ở địa phương có hạn, tôi đã tính mình tự đứng ra đào tạo. Nhưng như thế chỉ còn hướng đi thuê máy may, tự nhận hàng gia công về cho lao động địa phương làm mà thôi. Như vậy thì ngày công sẽ thấp nhiều, công việc sẽ phập phù, rồi cũng lại bập bõm giống như nghề mây tre đan và thêu ren. Cái khó là làm sao mình nắm được thông tin Cty, doanh nghiệp nào cần tuyển nghề may? Tuyển bao nhiều? Yêu cầu thế nào để đào tạo? Mình nhận đào tạo rồi có dám hứa với dân là sẽ lo được việc làm cho họ không? Nông dân họ biết rõ đào tạo xong sẽ làm gì? Ở đâu, thu nhập thế nào? Nếu chắc chắn thì dù có phải đóng học phí họ cũng sẽ đi học”.

Cũng chính vì lí do đó mà hiện nay, dự định mở rộng đào tạo nghề may ở Tân Sơn vẫn chưa thành hiện thực.

Nông dân muốn học nghề gì?

Được sự đồng ý và giúp đỡ của chính quyền các địa phương, chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò nhỏ về thực trạng đào tạo nghề cho nông dân với 104 phiếu hỏi phát cho nông dân các xã: Vạn Hòa,  Vạn Thắng (huyện Nông Cống); Yên Lạc (huyện Như Thanh,Thanh Hóa), thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam)..v.v.. Kết quả tổng hợp được cho thấy: 

- Trong số 66 người có câu trả lời thì 39,4% cho biết họ đã từng được tham gia học và tiếp cận với đào tạo nghề; 60,6% cho biết họ chưa từng được tham gia lần nào.Trong số những người đã từng được học và đào tạo nghề, 24% cho biết họ tự học nghề qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. 26,7% học nghề bằng cách vừa làm vừa tự tìm hiểu mò mẫm học nghề dần. 47, 8% được tiếp cận với dạy nghề qua thông qua các chương trình hỗ trợ chuyển giao KHKT của địa phương (như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên....). Chỉ có gần 1,5% số người được đào tạo nghề bằng cách tự đi học tại các Trường dạy nghề, cơ sở hoặc Trung tâm dạy nghề...

- Trong số 100 người có câu trả lời thì 99 người cho biết hiện nay họ có nhu cầu và muốn được đi học nghề nếu được Nhà nước hỗ trợ miễn phí. Chỉ có 1 người trả lời không có nhu cầu, không muốn đi học nghề.

- Về dự định hướng lựa chọn nhóm nghề nếu được đào tạo miễn phí, trong số 125 lượt lựa chọn thì gần 53% có dự định sẽ học nhóm nghề thuộc lĩnh vực trồng trọt – chăn nuôi; gần 29% có dự định sẽ học nhóm nghề thuộc lĩnh vực thủ công, cơ khí, xây dựng, kỹ thuật… Hơn 15% dự tính sẽ học nghề thuộc nhóm kinh doanh – dịch vụ. Còn lại gần 3% lựa chọn các nghề khác.

- Về mục đích của việc đào tạo nghề, trong tổng số 50 lượt lựa chọn thì 46% dự định sẽ học nghề để bồi dưỡng, nâng cao thêm trình độ của nghề hiện tại. 54% cho biết sẽ học nghề để có nghề mới, giải quyết công ăn việc làm.

So sánh xu hướng chọn nghề giữa hai địa phương là xã Yên Lạc (Như Thanh, Thanh Hóa) – một xã miền núi thuần nông và thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) – một địa phương đã bị mất hơn 85% diện tích đất nông nghiệp có thể thấy, tại các vùng “hậu mất đất”, tỉ lệ lao động chọn nhóm nghề phi nông nghiệp là rất lớn. Như phiếu thăm dò của chúng tôi thì gần 71% số lao động ở Bồng Lạng có nguyện vọng học các nghề thuộc nhóm thủ công – cơ khí – xây dựng -  kỹ thuật… Con số này ở Yên Lạc chỉ là 21,6% (tỉ lệ chọn nghề trồng trọt – chăn nuôi ở Yên Lạc là 58,3%).

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...