Nông dân ương, nuôi cá tra đã bớt khó

Ảnh minh họa

1 tuần nay, giá cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu trên thị trường được các doanh nghiệp (DN) thu mua tăng trở lại với mức 24.000 - 24.200 đồng/kg, giúp người nuôi cá có lãi khoảng 650 triệu đồng/ha. Giá cá tra giống cũng đang nằm ở mức có lãi cho người ương cá và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá cá giống có xu hướng tăng

Đầu năm 2014, nhiều đợt không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam khiến nhiệt độ xuống thấp dưới 200C làm cho cá ít trứng, tỷ lệ nở thấp, dịch bệnh nhiều, tỷ lệ sống trong ương cá giống thấp, dẫn đến cá giống trên thị trường khan hiếm, giá cá tăng nhẹ.

Ông Dương Quốc Trí, kỹ sư tư vấn kỹ thuật, đồng thời là thương lái thu mua cá tra giống ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay giá cá tra giống loại 1,7 cm (50 con/kg) bán tại ao ương có giá từ 36.000 - 38.000 đồng/kg, còn vận chuyển tới ao nuôi, bao hao hụt sau 10 ngày thả nuôi có giá 50.000 đồng/kg. Đối với cá tra giống loại 2 cm (30 con/kg) vận chuyển tới ao nuôi có giá 34.000 đồng/kg.

Theo ông Trí, giá cá tra giống nằm ở mức khá cao từ đầu tháng 12-2013 với giá 32.000 đồng/kg. Thời điểm này nhiều người sản xuất, ương dưỡng cá tra giống bỏ nghề khi cá tra giống rớt giá mạnh xuống dưới giá thành sản xuất trong suốt năm 2013. Đến nửa đầu tháng 2-2014, do ảnh hưởng thời tiết lạnh nên cá cái ít trứng, tỷ lệ trứng nở thấp, dịch bệnh nhiều khiến sản lượng cá giống giảm mạnh, dẫn đến giá cá tra giống tiếp tục tăng thêm từ 4.000- 6.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Xốt, nông dân ương cá tra giống ở ấp 5B, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết, mỗi vụ ương cá tra giống kéo dài 2,5 tháng, tỷ lệ hao hụt trong ương cá tra giống khoảng 10%, giá thành sản xuất bình quân 22.000 đồng/kg.

Năng suất 1.000m2 mặt nước khoảng 4 tấn cá giống, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân còn lời 10.000 đồng/kg cá (40 triệu đồng/công). Theo ông Xốt, dù giá cá tra giống thời điểm này khá cao nhưng không phải ai ương cá tra giống đều có lời, mà có người lỗ nặng do không nắm vững kỹ thuật, tỷ lệ hao hụt cao.

Người nuôi cá tra đã có lãi

Ông Nguyễn Văn Đời, nông dân có vùng nuôi cá tra 20 ha ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay cá tra được các DN chế biến cá tra xuất khẩu thu mua với giá 24.000 đồng/kg (trọng lượng 750 - 800gram/con), tùy theo DN, với thời gian trả tiền sau khi bắt cá từ nửa tháng đến 1 tháng, so với tuần trước giá cá tăng từ 1.000 - 1.200 đồng/kg.

Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đại Đại Thành (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cũng cho biết, những ngày gần đây giá cá tra đang tăng trở lại sau thời gian dài nằm ở mức thấp. Hiện nay DN thu mua cá tra nguyên liệu cho nông dân với mức 24.000 đồng/kg, thanh toán tiền trong 1 tuần, còn thanh toán tiền từ nửa tháng đến 1 tháng giá mua 24.200 đồng/kg.

Theo ông Tính, giá cá tra tăng là do người nuôi cá bỏ ao do thua lỗ trong thời gian dài khiến nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu không còn nhiều. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các DN chế biến cá tra xuất khẩu thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm công suất hoạt động, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ cá tra tại các nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại, giá cá tra xuất khẩu tăng nhẹ. “Trong thời gian tới giá cá tra có thể lên mức 25.000 đồng/kg” - ông Tính dự báo.

Theo chiết tính của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay giá thành nuôi cá tra dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg (tùy kỹ thuật nuôi), sau khi trừ chi phí, nông dân nuôi cá tra còn lãi từ 1.000 - 2.200 đồng/kg. Bình quân nuôi cá tra đạt năng suất 300 tấn/ha trong 7 - 8 tháng nuôi, do vậy nếu nông dân thu hoạch cá thời điểm này có thể có lợi nhuận từ 300 - 650 triệu đồng/ha.

Dù giá cá tra hiện nay đã giúp nông dân có lãi, nhưng gần như các hộ nuôi nhỏ lẻ không có cá để bán. Theo Bộ NN&PTNT, một phần là do thua lỗ trong những vụ nuôi trước nên người nuôi cá tra thiếu vốn tái sản xuất. Quan trọng hơn là do đầu ra bấp bênh, nông dân sợ thua lỗ nên phần lớn các hộ nuôi cá nhỏ lẻ phải “bỏ ao”, nuôi cầm chừng hay chuyển sang nuôi một số loại khác.

Do đó, hoạt động nuôi cá tra hiện nay chủ yếu diễn ra tại vùng nuôi cá nguyên liệu của DN chế biến xuất khẩu và một số hộ nuôi cá tra có tiềm lực kinh tế.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu được dự báo kéo dài đến hết năm 2014, bởi lượng cá nuôi trong dân chỉ bằng 40% so với năm trước. Yếu tố này ủng hộ cho xu hướng tăng giá cá tra trong thời gian tới nhưng vụ cá năm 2014 này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đầu năm 2014 này giá nhập khẩu một số loại nguyên liệu chính sản xuất thức ăn cá tăng từ 10-20%, nhất là bánh dầu đậu nành. Điều này dẫn đến giá thành nuôi cá vụ nuôi 2014 để thu hoạch vào năm 2015 sẽ tăng, trong khi rủi ro thị trường cao. Do đó, nông dân cần cân nhắc kỹ trước vụ nuôi mới; đồng thời phải hợp tác, liên kết với các DN chế biến cá tra xuất khẩu để tránh rủi ro.

 

Theo Ấp Bắc Online

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...