Quanh quẩn thêu ren, mây tre đan
Trong khi các làng nghề truyền thống đang ngắc ngoải vì đầu ra bế tắc thì hầu như đến địa phương nào, người dân hiến đất cho công nghiệp cho biết, quanh đi quẩn lại, họ cũng chỉ được học nghề thêu ren và mây tre đan. Có người dân nói thẳng rằng: "Hình như các bác lãnh đạo không biết dậy gì cho chúng em nữa nên cứ lôi mây tre đan ra dậy cho... có nghề".
"Dân ngán mây tre đan lắm rồi"
Số phận của những nông dân phải nhường đất cho sân golf Phượng Hoàng (xã Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) từng tốn khá nhiều bút mực của báo chí. Nhưng sân gofl dù sao cũng đã hoạt động. Nông dân Lâm Sơn dù có tiếc rẻ muốn lấy lại mảnh ruộng của mình cũng chỉ đành ngậm ngùi. Họ chỉ còn biết tự an ủi rằng, thôi thì ruộng không còn nữa, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ kiếm cho cái nghề gì đó để làm mà sống.
Bản Rổng Vòng mới – nơi tái định cư của những nông dân Rổng Vòng xưa toàn nhà cao tầng sáng choang mọc san sát, thoạt trông tưởng như một khu đô thị mới. Thế nhưng người nông dân ở đây vẫn phải ngày ngày quang gánh lên rừng. Mãi tối, tôi mới gặp được trưởng thôn Rổng Vòng Bùi Tiến Xuân người lấm lem mới trên nương về. Nghe tôi hỏi về chuyện nghề, giọng ông tỏ rõ sự chán nản: “Nghề nghiệp gì. Thôn Rổng Vòng trước chỉ biết làm ruộng làm nương. Giờ ruộng hết, cả thôn phải dời cả nhà đi. Ai được nhận tiền đền bù mà chả muốn xây lại nhà to. Giờ tiền hết, may mà còn ít đất đồi rừng bám vào mà sống”.
Cũng như Rổng Vòng, toàn bộ đất nông nghiệp của 145 hộ dân thôn Rổng Tằm cũng đã bị thu hồi cho sân golf, trong đó 24 hộ phải chuyển nhà sang khu tái định cư. Trưởng thôn Bùi Ngọc Huệ cho biết, không phải từ khi mất đất đến nay dân không được đào tạo nghề. Thậm chí từ năm 2005 đến nay ở Rổng Tằm đã có tới năm sáu dự án đào tạo nghề. Năm 2005, Phòng khuyến nông huyện còn về tận thôn dạy nghề mây tre đan.
Vận động mãi mới được 30 người đi học. Dự tính, 30 người này học xong sẽ truyền nghề lại cho 30 người tiếp, rồi cả xã sẽ làm mây tre đan. Thế nhưng khổ nỗi họ chỉ dạy nghề, chứ nguyên liệu như mây, tre thì ở Lâm Sơn làm gì có, với lại hàng làm ra cũng chẳng biết bán cho ai. Vì thế nghề mây tre đan học xong lại để để đấy. Mang tiếng là chương trình của tỉnh hỗ trợ nhưng chẳng ăn thua.
Tới năm 2006, lại thấy xã đưa giáo viên về Rổng Tằm hô hào bà con đi học nghề đan chổi chít. Mỗi người đi học còn được hỗ trợ 10.000đ/ngày. Thế mà cũng chỉ có dăm chục người đi. Trưởng thôn Bùi Ngọc Huệ so sánh: “Nguyên liệu làm chổi chủ yếu là lá chít, mà lá chít thì ở đây được bao nhiêu. Vả lại công đan chổi chít mỗi ngày cùng lắm chỉ vài chục nghìn. Trong khi dân Lâm Sơn lên rừng đào măng thôi bèo cũng được 20 – 30kg/ngày, đem xuống ven quốc lộ 6 bán lại cho tư thương có ngay “tiền tươi bạc đẹp” cả trăm nghìn. Thế thì ai còn làm chổi chít”.
Ông Bùi Đức Hiển – Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn phàn nàn: "Nghề mây tre đan hay thêu ren dưới Hà Tây (cũ) có hàng trăm năm tuổi. Họ có cả HTX đứng ra tiêu thụ sản phẩm, thế mà thu nhập còn không trụ nổi huống chi dân chúng tôi chỉ được đào tạo có 1 tháng. Đã thế tất tần tật nguyên liệu, tiêu thụ đều phải phụ thuộc thì làm trò trống gì. Dân ở đây ngán mây tre đan lắm rồi. Thế mà năm ngoái Hội Phụ nữ tỉnh còn mở lớp dạy thêu ren cho xã. Cái này chúng tôi biết là thu nhập quá thấp. Đã gọi là nghề thì thu nhập phải sống được, chứ như thêu ren thì ai gọi là nghề”.
Không có việc làm vẫn phải dạy
Những người gần 40 tuổi không còn ruộng như tôi ở Bồng Lạng bao đời nay chỉ biết làm ruộng và đi phụ hồ. Trình độ ai cao cũng chỉ lớp 7. Có người còn mù chữ. Như thế bảo đi học nghề gì ngoài trồng trọt, chăn nuôi thì tôi chịu. Chúng tôi cần được đào tạo chăn nuôi bài bản. Đào tạo xong phải có hỗ trợ vốn lớn và dài hạn để chúng tôi xoay sở làm ăn. Chứ như hiện tại, mình như ếch ngồi đáy giếng, biết làm nghề gì đây? - Anh Đỗ Quang Văn (thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) Dạy nghề cho lao động trẻ ở nông thôn cần linh hoạt. Bởi thanh niên không có tay nghề hiện nay họ nhảy cóc hết thành phố này đến thành phố khác. Có thể cấp cho họ một cái thẻ học nghề. Họ đi tới đâu cũng học được. Như vậy thì phải có cơ chế nào đó để phối hợp quyết toán kinh phí. Chứ không khéo lại giống chuyện thẻ BHYT chuyển tuyến thì khốn khổ - Ông Trần Văn Đảm – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Dạy nghề cho nông dân từ trước đến nay đều được triển khai theo lối cấp trên phân bổ kinh phí cho cấp dưới. Cấp dưới căn cứ vào nguồn vốn đó mà lên kế hoạch dạy nghề gì, bao nhiều người. Chúng tôi đang chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thực tế. Phòng LĐ – TB & XH sẽ phối hợp với các Trung tâm và cơ sở dạy nghề rà soát nhu cầu tuyển dụng của các Cty – Doanh nghiệp sắp hoạt động xem họ cần bao nhiêu lao động, nghề gì, trình độ thế nào để lên kế hoạch đào tạo. - Ông Trần Xuân Phúc - Trưởng phòng LĐ – TB & XH huyện Lương Sơn (Hòa Bình) |
Thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) mấy năm nay cũng “nổi tiếng” không kém xã Lâm Sơn về tình trạng mất đất. Bởi từ năm 2004 đến nay, 4 nhà máy xi măng đã lần lượt ra đời trên địa bàn thôn này, lấy đi 86% diện tích đất nông nghiệp của thôn. Kéo theo đó, gần 900 lao động gần như không còn đất sản xuất. 9h sáng, tôi vào Bồng Lạng khi từng toán thanh niên hãy còn tụm năm tụm ba dọc các quán café, quán cháo lòng... Hỏi anh Đỗ Văn Chi (thôn Bồng Lạng), sao giờ này còn tụ tập đông thế? Chi bảo: “Không tụ tập thì biết làm gì? Đêm đánh bài chán, sáng ngủ nướng rồi đi ăn sáng".
Theo UBND xã Thanh Nghị, số lao động làm trong các công trình xây dựng của 4 nhà máy xi măng khoảng 100 người, bằng 1/8 số lao động bị mất đất. Điều lo lắng là sắp tới, khi các nhà máy đi vào hoạt động thì số lao động dư thừa sẽ càng lớn hơn. Hiện nay, mới chỉ có nhà máy xi măng Xuân Thành có cam kết nhận đào tạo 50 lao động để phục vụ cho nhà máy khi đi vào vận hành. Ngoài ra nhà máy xi măng Thanh Liêm, Hoàng Long và Tràng An vẫn chưa có cam kết tuyển dụng lao động. Điều mà nông dân Bồng Lạng lo lắng nhất đó là các nhà máy xi măng chỉ tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi. Những người trên 35 tuổi ở Bồng Lạng đang loay hoay không biết sẽ làm gì. Anh Đinh Ngọc Thập – Trưởng thôn Bồng Lạng lo lắng: “Chỉ có ¼ số hộ trong thôn may mắn còn có chút đất rừng ít ỏi để bám vào. ¾ số hộ còn lại hiện nay không còn đất, và cũng chưa có nghề gì ổn định. Thanh niên còn có thể đi xa kiếm việc, chứ từ 35 tuổi trở lên thì gay go”.
Trong lúc vấn đề việc làm cho người dân bức xúc như vậy, thì điều làm chúng tôi ngạc nhiên là từ năm 2006 đến nay, đã có 2 dự án đào tạo nghề thêu ren dự kiến giải quyết việc làm cho gần 300 lao động mất đất thôn Bồng Lạng, thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện chỉ có hơn chục người… làm cho vui. Thắc mắc về điều này, ông Ngô Trung Kỳ - Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị bảo: “Vấn đề kinh phí, đầu ra cho sản phẩm để phát triển nghề đã có huyện và tỉnh lo. Việc triển khai đào tạo thì chúng tôi vẫn phải đào tạo. Còn người dân học xong có duy trì nghề thêu ren là việc của họ chứ”. Có lẽ vì thế mà năm 2009 này, dự án đào tạo nghề thêu ren cho 200 lao động thôn Bồng Lạng sẽ tiếp tục được tiến hành. Có bao nhiêu người đi học, học xong họ có theo nghề không thì chưa thể biết.
(Theo nongnghiep.vn)
Tin xem nhiều
Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5
![]() |
Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI 1. ... |
![]() |
Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ... |
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm
![]() |
Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ... |
Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm
![]() |
Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ... |
Nuôi cá lăng nha trong lồng bè
![]() |
Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ... |
Video xem nhiều
Sử dụng thuốc gốc đồng để trừ bệnh
![]() |
(Nguồn THĐT) |
Tác dụng của Canxi với sự sinh trưởng của cây lúa
![]() |
(Nguồn THĐT) |
![]() |
(Nguồn THVL) |
Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao
![]() |
Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ... |
Sinh vật cảnh tiềm năng kinh tế nông nghiệp đô thị
![]() |
(Nguồn THĐT) |