Nông dân muốn học gì, học ở đâu sẽ được đáp ứng

Như chúng tôi đã phản ánh ở những bài trước, việc đào tạo nghề cho nông dân trong những năm qua ở nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện tại thì đề án đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân thực hiện Nghị quyết TW7 về "Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn" đang được các ban ngành tích cực triển khai. Làm thế nào để việc dạy và học nghề thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn, GS. TS Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ NN - PTNT đã nhận định và trao đổi thẳng thắn với NNVN về vấn đề này. Đây cũng là bài kết thúc phần hai của loạt bài "Nông dân đang cần gì".

 

Phương pháp và kĩ năng đào tạo quyết định hiệu quả 

Thưa ông, những năm qua, Nhà nước đã tốn không ít tiền để đào tạo nông dân, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao?

Công tác đào tạo nông dân trong nhiều năm qua đã được Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đối với những khu vực di dân TĐC, khu vực chuyển đổi, và đã có trên 1 triệu người được đào tạo, nhưng thực tế, người được đào tạo trực tiếp làm nông nghiệp chỉ có trên 3%.

Kết quả này cho thấy, công tác đào tạo nông dân của chúng ta chưa tốt?

Một phần vì nông dân cứ nghĩ làm nông nghiệp thì không có gì mà học. Những nông dân nghĩ được thì lại có tâm lí muốn thoát khỏi nông nghiệp nên không đi học. Phần do từ giáo trình đào tạo, thời gian đào tạo, kĩ năng đào tạo… đến nghề đào tạo của chúng ta thời gian qua chưa hợp lí. Vì vậy mà chất lượng đào tạo thấp, không thu hút được nhiều nông dân tham gia. Và những nông dân được đào tạo cũng không mang lại nhiều hiệu quả khi tham gia sản xuất.

Thực hiện đề án đào tạo nghề nông dân, cách đào tạo tới đây của chúng ta sẽ như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Tôi cho rằng, chất lượng và phương pháp đào tạo sẽ quyết định đến sự thành công của đề án. Trước đây, chúng ta bố trí thời gian đào tạo chưa hợp lí, đào tạo sơ cấp từ 3 tháng trở lên đến 3 năm, nay đào tạo ngắn hạn cho nông dân với thời gian từ 1 đến 3 tháng. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo phải được thay đổi, theo hướng không đơn thuần là đào tạo kĩ thuật cho dân mà phải đào tạo cho nông dân biết phân tích, đánh giá thị trường, bảo quản nông sản… Đào tạo nông dân sẽ được chia thành 2 nhóm ngành. Một là đào tạo nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, chủ yếu là kĩ thuật. Hai là đào tạo nông dân làm dịch vụ nông nghiệp.

Ông cho rằng, mấu chốt của sự thành công là chất lượng và phương pháp đào tạo, vậy với cơ sở vật chất hiện nay, liệu chúng ta có thể đảm bảo được điều ấy?

Đào tạo nghề cho nông dân sẽ là bước chuyển căn bản, nhằm tạo ra một lực lượng lao động nông thôn có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ7. Trong quá trình xây dựng đề án, các Bộ, ngành cần chú ý cụ thể hóa yêu cầu dạy nghề quốc gia thành nhiệm vụ của từng địa phương, nhất là đối với những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân)

Hiện nay, năng lực đào tạo các trường thuộc Bộ NN-PTNT có thể đào tạo được 100 ngàn người/năm, nhưng tới đây các trường sẽ được đầu tư thêm để nâng cao năng lực. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo khác trong cả nước cũng sẽ tham gia đào tạo. Những nông dân tri điền, có kiến thức sâu rộng về nông nghiệp nông thôn sẽ được bồi dưỡng, sau đó được mời lên lớp giảng cho nông dân.

Mục tiêu của đề án đào tạo nông dân thực hiện nghị quyết TƯ7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn là từ năm 2009 sẽ đào tạo 300 ngàn người/năm và tăng dần vào các năm tiếp theo, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, liệu mục tiêu đặt ra trong năm 2009 là đào tạo 300 ngàn người có đạt được?

Vì là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đề án này nên chất lượng được đặt lên trước hết. Nếu ngay năm đầu thành công, nó sẽ có tác động rất tích cực đến quá trình đào tạo sau này. Tháng 4 tới đây Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị 40 trường của Bộ để triển khai đào tạo. Với quyết tâm lấy chất lượng làm đầu, sau đó mới mở rông quy mô.

Những vùng nào sẽ được ưu tiên đào tạo trước thưa ông?

Đó là những vùng sản xuất hàng hoá, vùng dân tộc thiểu số miền núi, các vùng TĐC, vùng phát triển KCN. Tất cả nông dân đi học sẽ được Nhà nước hỗ trợ. 

Đào tạo theo nhu cầu của nông dân 

Nông dân cần làm thủ tục gì để được đào tạo, thưa ông?

Chính phủ sẽ giao các địa phương tập hợp nhu cầu học của nông dân từ cơ sở sau đó gửi lên Bộ NN-PTNT. Trên cơ sở Bộ giao chỉ tiêu cho các tỉnh và các cơ sở đào tạo, nông dân sẽ toàn quyền lựa chọn các cơ sở đào tạo để đến học. Thực hiện như thế, chúng ta sẽ đào tạo được theo yêu cầu của nông dân. Ví dụ, anh A muốn được học nghề nuôi ba ba, anh đăng kí với thôn, xã sẽ gửi danh sách đó lên tỉnh, tỉnh lần lượt cho mọi người đi học. Cơ sở học, anh A tuỳ chọn.

Nông dân có bị ràng buộc điều kiện nào khi đi học không?

Đương nhiên là có. Nông dân đi học nghề nông nghiệp, thì nghề đó phải phù hợp với quy hoạch và có khả năng phát triển tại địa phương. Ví dụ anh ở vùng trồng cao su, nếu đi học nghề trồng cao su sẽ được ưu tiên đi học trước so với nghề nuôi lợn.

Nếu đào tạo không đúng đối tượng, nông dân được đào tạo không hiệu quả, địa phương có trách nhiệm gì không?

Địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vấn đề đó. Để quản lí chặt và có hiệu quả cao, địa phương phải cấp thẻ đào tạo nghề cho nông dân. Sau đó có trách nhiệm đưa nông dân đến cơ sở đào tạo mà nông dân muốn học. Học xong, địa phương phải theo dõi, đánh giá hiệu qủa của việc học đó.

Ngoài hệ thống đào tạo thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông đánh giá như thế nào về năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc các khu vực khác?

Đối tượng được đào tạo là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (tuổi từ 16 - 55) có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển vào từng khóa học nghề phân theo lao động tham gia trực tiếp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi…) và lao động làm dịch vụ kinh tế - kỹ thuật (thú y, bảo vệ thực vật…).

Loại hình đào tạo gồm dạy nghề thường xuyên từ 1 đến dưới 3 tháng được cấp chứng chỉ nhận nghề và dạy nghề sơ cấp từ 3 đến dưới 12 tháng cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Người lao động học nghề sẽ được cấp thẻ học trong vòng 5 năm và nộp thẻ tại các cơ sở đào tạo tại địa phương (Trích Đề án đào tạo nông dân).

Hiện nay cơ sở đào tạo không ít. Nhưng việc chọn nơi nào để học, học cái gì là do nông dân quyết định. Chính vì thế mà các cơ sở đào tạo muốn thu hút được người học thì phải quảng bá, tiếp thị tốt và đặc biệt là đào tạo phải có chất lượng. Còn những cơ sở đào tạo kém chất lượng, kém hiệu quả thì sẽ khó mà thu hút được nông dân đến học. Thực hiện tốt điều này sẽ giảm bớt được cơ chế xin – cho mà lại đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, và điều quan trong là thúc đẩy các trường, các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo và các trường sẽ năng động hơn trong tuyên truyền vận động dân đi học.

Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu đặt ra năm 2009 đào tạo 1-200 ngàn người và các năm sau sẽ tăng lên 300 ngàn người/năm, sẽ khó mà thu hút đủ nông dân đến học? Ông bình luận gì về vấn đề này?

Tôi cho rằng điều này là không đáng lo ngại. Trước đây, khi thị trường lao động nông thôn chưa được hình thành thì mục tiêu đó là khó. Nay thị trường lao động nông thôn đã bắt đầu sôi động, đặc biệt là Trung ương đã cho phép xây dựng Nghị định tích tụ đất đai, sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất lớn. Vì vậy mà nhu cầu được đào tạo sẽ ngày một lớn lên.

Tôi lấy ví dụ như chăn nuôi hiện nay. Chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô vài ba con gia súc gia cầm đã dần dần không còn nữa, thay vào đó là quy mô từ 10 đến vài trăm con trở lên. Nếu đào tạo chất lượng, hiệu quả, chắc chắn không có nông dân nuôi lợn nào lại không đi học cả. Khi đã làm ăn lớn, thì sự sống còn luôn trong đầu người nông dân, họ không thể nói là “học cũng thế mà không học cũng thế” vì vài con lợn, con gà hay một sào ruộng như trước đây được. Dần dần Nhà nước có thể tiến tới cho vay đầu tư sản xuất lớn phải kèm điều kiện đã học nghề nông nghiệp, thì việc học tập càng được thúc đẩy hơn. Hai quá trình tích tụ đất đai và đào tạo nông dân sẽ đồng hành, và chắc chắn điều ấy sẽ tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp nông thôn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

(Theo nongnghiep.vn)

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...