Giá cho tôi một điều ước ...

Đây là một bài viết đạt giải nhì toàn tỉnh Đồng Tháp cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ biên tập website Bạn Nhà Nông xin giới thiệu đến Quý vị đọc giả tham khảo. Một điều ước mà bao nông dân đều mong ước ...

"Nếu có một điều ước, em ước sao tất cả nông dân ngày càng giàu có, sung túc. Nhà nước nên có những chính sách thiết thực hơn, gần gũi, bình dân hơn để người dân bớt khổ rồi mới nói tới chuyện khá giàu."

Sinh ra tại xã Bình Thạnh Trung huyện Lấp Vò, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh hiện là Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã hai mươi năm gắn bó với ruộng đồng, cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với bà con nông dân. Từ mảnh đất nơi đầu nguồn xa xôi đến vùng phù sa màu mỡ cuối nguồn trong tỉnh, hầu như chưa có nơi nào mà cô và các bạn đồng nghiệp không đặt chân đến. Đồng đất từng vùng ra sao? Lũ sâu rầy bây giờ đang di trú đến đâu… những cán bộ kỹ thuật như cô đều nằm lòng và kịp thời cảnh báo cho bà con nông dân cách phòng chống có hiệu quả nhất, góp phần không nhỏ cho những mùa vàng bội thu của quê hương Đồng Tháp mỗi năm trên dưới 2,8 triệu tấn, thường đứng vào hàng thứ hai của vựa lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Và cô là một trong gương mặt nổi bật nhất, đại diện cho trên 600 cán bộ công chức toàn ngành nông nghiệp được cử về dự Liên hoan điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh được tổ chức tại thành phố Cao Lãnh vào tháng 12 năm 2009.

Nhà cô đông người lắm, tới chín anh chị em!. Cái nghề mà cô gắn bó với ruộng đồng bây giờ của mình cũng xuất phát từ gia đình. Cô là thứ tư trong nhà. Tuy đất đai ông bà trước đây để lại khá nhiều, tới bốn hecta lận và ba mẹ lúc nào cũng quần quật ngoài ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống gia đình vẫn luôn thiếu trước hụt sau. Chưa cắt lúa mà bồ đã cạn, tiền đã hết là cái cảnh túc trực thường xuyên ở trong nhà.

Cô nói với tôi: Ba em đã mất nhưng cái “được” lớn nhất ông để lại cho con là học thức. Cha mẹ là nông dân nhưng tất cả các con đều được học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn, hiện là bác sĩ, kỹ sư, cô giáo…. Ba có quan niệm hơi “khác người”, theo cái kiểu của ông: “con gái phải cho học hành đàng hoàng, muốn nghề gì cũng được. Nếu ba làm không đủ nuôi cho tụi bay ăn học thì người phải nghỉ học trước là con trai, chứ không phải là con gái”.

Ông giải thích: Con trai cực một chút không sao chứ con gái không được học hành, sau này có chồng làm ruộng cực khổ, tao không chịu nổi! Và vì thế cuộc sống trong nhà dù cơ cực, ba mẹ phải chạy ăn từng bữa nhưng không đứa con nào phải thất học. Nhờ cái “lý” của ông, mới có thêm một cô kỹ sư đồng ruộng tại quê hương Đồng Tháp thân yêu này, như một số bà con nông dân thường gọi cô!

Ông không giúp con cái được nhiều vì ông là nông dân chân chất, nhà nghèo, đông con và cũng có biết khoa học là gì đâu nhưng cái đáng quí ở ông là luôn dõi theo từng đứa và ủng hộ chúng khi cần trong khả năng nhỏ bé, ít ỏi của mình. Ngay như cô, ở những năm đầu của thập niên chín mươi, lúc ấy mà nói tới sạ thưa, sạ hàng, nói tới IPM…..thì nông dân đuổi xách dép không kịp chạy ra khỏi ruộng. Cũng phải thôi bởi tiền ăn, xài, học hành, đám tiệc….tất tần tật mọi việc quanh năm chỉ dựa vào thu nhập từ mảnh ruộng ít ỏi trong nhà.

Thế nhưng khi nghe con giải thích và xin được làm thử, ông vẫn cho con gái áp dụng chút kiến thức thu lượm được của các thầy cô trong nhà trường làm thử trên ruộng nhà để có chút “hành trang” bước vào đời, mặc dù ông biết rất rõ, nếu có thất bại thì ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của cả một tiểu đội trong nhà, ông bà chỉ có nước đi làm mướn làm thuê để kiếm đủ cơm cho mười mấy “cái tàu há miệng” trong nhà mà thôi!.

Từ cuộc sống gia đình, bao năm cô luôn trăn trở: Làm ruộng rất vất vả nhưng lợi nhuận chẳng là bao, cuộc sống người nông dân vẫn lam lũ, cơ cực, cái nghèo luôn đeo bám theo họ, dù có khi lúa thu về đầy bồ, chưa vui lại lo bởi thường gặp cảnh trớ trêu: trúng mùa, rớt giá. Làm thế nào để người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình? Đó là câu hỏi luôn luôn hiện hữu, quay quắt trong đầu cô từ khi cô thi vào đại học nông nghiệp khoa trồng trọt cho tới ra trường công tác, sau đó đi học tiếp thạc sĩ và trở về công tác trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Chắc nhiều người đã nghe, ngay từ năm 2007, Đồng Tháp đã được cả nước biết đến bởi là một trong những ổ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa của cả nước, nếu sơ xẩy một chút thôi thì coi như trắng tay. Lo ngại ảnh hưởng tới an ninh lương thực của cả một quốc gia, khu vực. Đi thăm đồng, nhìn cả đám ruộng cháy rầy xác xơ, cô ứa nước mắt, chân bước không nổi mà không dám trách thêm một lời nào với bà con. Phải chi bác nghe lời con, sắp đợt rầy nở đừng xuống giống vội. Đã lỡ xuống, khi rầy bộc phát nhiều, phải chi bác cho tụi con hay sớm, có thể tìm cách trị bệnh còn vớt vát chút lúa ăn, may ra có khi còn dư chút đỉnh. Bây giờ….trắng tay, cũng không được hưởng số tiền bốn triệu đồng hỗ trợ của nhà nước ! Rồi đây gia đình biết trông chờ vào đâu? Mấy đứa nhỏ liệu có được học tiếp hay lại phải cùng ba mẹ lăn lóc ngoài đời làm thuê làm mướn….

Rất nhiều hội nghị hội thảo của các nhà khoa học trong cả nước bàn về cách phòng trừ nhưng “từ hội nghị cho tới bàn ăn” nó còn một khoảng cách quá xa và phụ thuộc vào bao nhiêu yếu tố. Thế nhưng cô và các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nơi đây đã làm được cái điều không tưởng, bắt rầy nâu, virus lùn, lùn xoắn lá phải quy phục. Những cán bộ kỹ thuật đã luôn bám sát địa bàn, theo dõi, cụ thể từng trà lúa, từng khu vực. Kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết về các nghiên cứu đã có với thực tế ở địa phương mình để có đánh giá, dự báo, thông tin và đề xuất giải pháp phòng trừ dịch hại hữu hiệu, kịp thời, không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Cô nói rất dí dỏm, ví von: Mình sống với rầy giống như dân đồng bằng sông Cửu Long “sống chung với lũ”, thậm chí còn khó hơn vì lũ tuy hại thật nhưng cũng còn chút giá trị mà lợi dụng bởi nước lên dân còn có nơi để bắt cá, nước lên, một loạt mô hình nuôi tôm cá mùa nước cho thu nhập cao và dân lao động có thêm công ăn việc làm, còn cái đám rầy nâu này chỉ có nước hốt cho cá cảnh ăn khi “chúng vào đèn” mà thôi, chẳng được cái tích sự gì….!

Đặc biệt trong cả ba vụ sản xuất của năm 2009 và vụ đông xuân 2009-2010, người nông dân tuy vẫn còn tranh thủ xuống giống gối vụ nhưng hầu hết diện tích xuống giống theo lịch đã tránh được rầy di trú, giảm đáng kể diện tích lúa bị dịch bệnh, nông dân nhiều địa phương đã đồng tình và tin tưởng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Trong quá trình cùng nông dân ra đồng phòng chống dịch bệnh trên lúa, cô thấy nông dân chưa thực hiện tốt 4 đúng trong phun trừ rầy nâu bởi chưa hiểu, cán bộ kỹ thuật cũng đã thiết kế, xây dựng tờ bướm hướng dẫn áp dụng bằng hình ảnh rất sinh động cụ thể, giúp bà con dễ hiểu và dễ áp dụng vào đất ruộng nhà mình. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nông dân nên năm 2009 dù rầy nâu còn những đợt bộc phát mật số khá cao nhưng diện tích cháy rầy và tình trạng lúa bị ngộ độc do phun thuốc trong toàn tỉnh đã giảm đáng kể.

Ngoài lúa, trên cây ăn trái, rau màu nhiều đối tượng sâu bệnh hại mới phát sinh như bệnh sọc lá bắp, hiện tượng rễ tre lan vàng trên quýt hồng, bệnh thối củ trên khoai môn, tình trạng nông dân phải sử dụng thuốc đối phó với bọ nhảy hại cải, sâu đục trái đậu nành… cũng luôn làm cô trăn trở, từ đó cô và đồng nghiệp đã xây dựng các thí nghiệm, thực nghiệm để anh em cán bộ kỹ thuật có cơ sở, kinh nghiệm và lòng tin  khuyến cáo các biện pháp quản lý cho nông dân, đồng thời cũng giúp rèn luyện, nâng cao tay nghề và hiệu quả thực tế trong công việc của từng cán bộ kỹ thuật cơ sở.

Những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp như những con ong chăm chỉ lặng lẽ nhả tơ, đem lại mật ngọt cho đời. Công sức của những người như cô qua thời gian đã được trả lời. Nó không thể qui đổi thành bao nhiêu tiền cụ thể như trong kinh doanh, dịch vụ mà nó là hiệu quả xã hội đem lại thật vô cùng lớn lao. Mà những điều này, có tiền chưa chắc đã làm được. Đó là, ruộng đất nơi đây ngày càng đồng đều, bằng phẳng bớt lồi lõm, nông dân giờ đây đã quen cách kéo máy sạ hàng, quen sử dụng các giống lúa có chất lượng cao, kháng rầy, quen áp dụng khoa học kỹ thuật như: nên gieo sạ, phun thuốc khi nào để tránh sâu rầy, tiết kiệm chi phí, dùng máy gặt đập để thu hoạch lúa, suốt lúa khi vào vụ thu hoạch đông ken, máy sấy lúa khi mưa lũ….

Và điều quan trọng hơn cả, rõ ràng nhất, đó là nhận thức của người dân Đồng Tháp nay đã khác xưa. Thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ đã đeo bám thành gốc rễ trong tư tưởng, nhận thức trong đầu của những người nông dân qua bao đời nay đâu phải dễ dàng ngày một ngày hai. Họ chỉ nhận ra khi năng suất lúa ngày càng cao, không bị sâu rầy, lúa bán dễ dàng thì họ mới công nhận kỹ thuật của anh là đúng hay sai, được hay không được mà thôi. Và….cô và các bạn đồng nghiệp của mình đã làm được điều không tưởng đó.

Chia tay cô, trong đầu tôi cứ lởn vởn suy nghĩ mãi câu cô nói. Cô không mong gì cho riêng mình dù cuộc sống của cô và những cán bộ kỹ thuật như cô vẫn đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày. “Nếu có một điều ước, em ước sao tất cả nông dân ngày càng giàu có, sung túc. Nhà nước nên có những chính sách thiết thực hơn, gần gũi, bình dân hơn để người dân bớt khổ rồi mới nói tới chuyện khá giàu. Đâu phải ai cũng có mấy trăm triệu để mua máy gặt đập, máy sấy lúa để nhà nước đầu tư lãi suất khuyến khích hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Ngành nông nghiệp dù có tác động về mặt hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mang lại hiệu quả cho nông dân bao nhiêu nhưng để nông dân hết khổ, vấn đề thiết thực phải bắt đầu từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đến việc định giá thu mua lúa đừng để tư thương tự định giá”.

Điều này, vượt qua phạm vi của ngành nông nghiệp rồi…….

Ks Phạm Thị Toán

Sở Nông nghiệp&PTNT Đồng Tháp

Tin xem nhiều

Tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thỏ - Phần 5

Phần 5: KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN Ở THỎ CÁI

1. ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng vàng

Cá lăng vàng là một trong những loài cá lăng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt và lợ ...

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm

Đặc điểm hình thái cá lăng chấm: Thân dài. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên. Có 4 đôi ...

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá ...

Nuôi cá lăng nha trong lồng bè

Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước ...

Video xem nhiều

Kỹ thuật bón phân

(Nguồn THVL)

Dưa hấu không hạt - nông nghiệp công nghệ cao

Lâu nay mọi người thường khó chịu khi gặp phải vô số hạt cứng trong ruột dưa hấu. ...